Mô hình David Kolb được áp dụng rộng rãi trong đào tạo. Mô hình có 04 giai đoạn học tập hiệu quả. Và mỗi giai đoạn tương ứng với phong cách học tập khác nhau. Cụ thể chúng là gì? Cùng Tips For Learner tìm hiểu ngay tại bài viết này nhé!
Bài viết này thuộc chuỗi Tips For Learner Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh.
|
Mô hình David Kolb – Học tập tích cực
Mô hình này được đặt tên theo người đã phát minh ra nó – David Kolb. Ông sinh ra và lớn lên ở Ohio, Hoa Kỳ. Sau đó, ông tốt nghiệp tiến sĩ tâm lý học từ Đại học Harvard và trở thành giáo sư tại Đại học Chicago. David tiếp tục công tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển cá nhân.
Mô hình học tập tích cực của David Kolb ra đời năm 1970 và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực đào tạo. Mô hình này tập trung vào quá trình học tập cá nhân thông qua việc tham gia vào các hoạt động thực tế và rút ra kiến thức từ những trải nghiệm đó. 04 giai đoạn trong mô hình David Kolb gồm: Trải nghiệm thực tế, Suy ngẫm và phân tích, Đúc kết kiến thức và Áp dụng vào công việc.
Trải nghiệm thực tế
Mô hình David Kolb bắt đầu bằng việc để người học trải nghiệm thực tế. Họ có thể tham gia vào dự án, thử nghiệm mới, hoặc bất kỳ hoạt động nào liên quan đến nội dung học tập.
Mục đích của việc này là để người học có được trải nghiệm chân thật nhất, phục vụ cho giai đoạn tiếp theo.
Suy ngẫm và phân tích
Sau khi trải nghiệm tình huống, người học bắt đầu suy ngẫm và phân tích về các sự kiện vừa xảy ra. Họ cố gắng hiểu rõ những khía cạnh của sự kiện, tìm hiểu nguyên nhân và kết quả. Đặt giả định cho các tình huống có thể xảy ra nếu chọn hướng xử lý khác.
Trong quá trình này, người học có thể sử dụng phương pháp ghi chú Cornell để phục vụ cho việc phân tích hiệu quả.
Đúc kết kiến thức
Sau khi trải nghiệm, phân tích, người học đưa ra kết luận về kiến thức mà họ đã lĩnh hội được. Đồng thời tìm ra những định nghĩa, khái niệm phù hợp để diễn giải kiến thức theo cách dễ nhớ nhất. Bước này cũng gần tương tự với bước 4 trong phương pháp reverse learning.
Trong quá trình đúc kết, người học một lần nữa trình bày lại cho người khác về kiến thức mà mình biết được. Theo phương pháp teach back, đây là bước giúp người học lĩnh hội được đến 90% kiến thức.
Áp dụng vào công việc
Cuối cùng, sau khi hoàn thành 3 bước trên, người học tiến hành áp dụng vào công việc. Đây là bước cuối cùng và cũng là bước quan trọng nhất trong quá trình học tập theo mô hình David Kolb. Vì nếu kiến thức không có tính áp dụng sẽ được xem là kiến thức “rác”.
Trong quá trình áp dụng, bạn nên giảm kỳ vọng về hiệu quả công việc ở thời gian ban đầu. Vì chắc chắn viễn cảnh này sẽ diễn ra khi bạn áp dụng kiến thức mới, đó là: Thời gian làm việc dài hơn nhưng hiệu quả thấp hơn. Tuy nhiên, hãy kiên trì, vì liên tục áp dụng kiến thức mới đến khi thuần thục, kết quả sẽ tăng theo chiều hướng tích cực.
Bạn có thể sử dụng phương pháp pomodoro để phục vụ cho quá trình áp dụng vào công việc hiệu quả.
04 phong cách học tập theo mô hình của David Kolb
Tương ứng với 04 giai đoạn, có 04 phong cách học tập tương ứng theo mô hình David Kolb, cụ thể:
Người thích trải nghiệm (Concrete Experience): Những người thuộc nhóm này thích học thông qua các tình huống, hoạt động trải nghiệm trong lớp học. Có thể dễ dàng phát hiện ra nhóm này vì họ thường “ham vui”. Ưu điểm của người thích trải nghiệm là sôi nổi, khiến lớp học sinh động. Nhược điểm là thiếu phân tích sâu.
Người suy ngẫm (Reflective Observation): Người có phong cách học tập này thường thích phân tích sâu về kiến thức. Họ thường sẽ là những học viên trầm lặng, nhưng khi phát biểu sẽ đưa ra thông tin chính xác cao. Vì thông tin này đã được phân tích kỹ và suy ngẫm rất lâu. Ưu điểm: Họ sẽ là học viên tuyệt vời đối với các nội dung chuyên sâu, cần sự kiên nhẫn để theo đuổi. Nhược điểm: Họ thiếu sự tự tin trong việc thử nghiệm các ý tưởng mới.
Người đúc kết (Abstract Conceptualization): Những người có phong cách học tập này ưa thích xây dựng kiến thức trừu tượng, học thông qua việc hiểu sâu và phân tích các khái niệm. Họ có thể hệ thống kiến thức và đưa ra những đúc kết logic, hợp lý. Ưu điểm của nhóm này là họ có thể phát triển kiến thức mới dựa trên những gì đã đúc kết được. Nhược điểm của nhóm này là gặp khó khăn trong việc áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế.
Người áp dụng (Active Experimentation): Những người có phong cách học tập này ưa thích thử nghiệm kiến thức vào thực tế. Họ thích áp dụng các giải pháp mới và tạo ra sự thay đổi. Ưu điểm: Họ có thái độ tích cực khi áp dụng những kiến thức mới. Nhược điểm: thiếu kiên nhẫn khi phải nắm vững kiến thức cơ bản trước khi thực hiện thử nghiệm.
Tạm kết về phương pháp học tập theo mô hình David Kolb
Trên đây là một số thông tin về phương pháp học tập theo mô hình David Kolb. Hy vọng rằng nó giúp ích được đến công việc và học tập của bạn.
Nội dung thuộc chuỗi Tips For Learner – Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh. Follow vmptraining để cập nhật thêm nhiều bài viết mới nhất về chủ đề này nhé!