Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp giúp ghi nhớ nhanh chóng những kiến thức khô khan, khó hiểu thì xin chúc mừng, bài viết này là dành cho bạn. Phương pháp Doodle là phương pháp ghi nhớ phổ biến thông qua việc vẽ nguệch ngoạc trên giấy. Chi tiết về phương pháp này là gì? Cùng Tips For Learner khám phá tại bài viết này nhé!
Bài viết này thuộc chuỗi Tips For Learner Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh. [maxbutton id=”4″ url=”https://vmptraining.com/category/tips-for-learner/” text=”Khám phá ” ] [maxbutton id=”13″ url=”#” text=”Follow” ] |
Phương pháp ghi nhớ Doodle là gì?
Đây là phương pháp giúp người học ghi nhớ kiến thức thông qua những nét vẽ nguệch ngoạc. Theo đó, khi tiếp thu một kiến thức mới, não trái sẽ hoạt động. Tuy nhiên, việc chỉ não trái hoạt động sẽ dễ khiến cơ thể rơi vào lơ đãng và hiệu suất tập trung giảm dần. Do đó, người ta sẽ kích thích não phải bằng cách cầm bút vẽ nguệch ngoạc lên giấy. Bằng cách này sẽ giúp cân bằng hai bán cầu não và gia tăng sự tập trung.
Có một thí nghiệm đã được thực hiện để kiểm chứng việc này. Vào năm 2009, Giáo sư Tâm lý học Jackie Andrade tổ chức thí nghiệm trên 2 nhóm người cùng nghe một cuộc điện thoại có nội dung nhàm chán gồm nhiều thông tin. Nhóm A được cấp giấy bút để vẽ tùy thích trong khi đang nghe điện thoại. Nhóm B chỉ đơn thuần nghe điện thoại như thông thường. Kết quả là, nhóm A ghi nhớ được nhiều thông tin hơn từ cuộc gọi.
Bà Giulia Forsythe – chuyên gia tại Trung tâm Giảng dạy, Học tập và Công nghệ Giáo dục cũng cho biết: “Việc vẽ nguệch ngoạc có thể giúp người học mô tả lại các khái niệm trừu tượng và diễn tả lại những cảm xúc phức tạp”.
05 bước áp dụng phương pháp ghi nhớ Doodle
Bước 1: Chuẩn bị tài liệu học tập. Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị tài liệu cần học tập hoặc nghiên cứu như sách, ghi chú hoặc bất kỳ nguồn thông tin nào bạn cần học. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ để trong quá trình học không bị gián đoạn vì phải tìm kiếm thêm thông tin.
Bước 2: Chuẩn bị thêm giấy bút để thực hiện vẽ Doodle. Để tiết kiệm giấy, bạn nên chọn loại giấy rẻ hoặc đã in một mặt để thực hiện vẽ nguệch ngoạc trong quá trình tiếp thu kiến thức. Bút bạn có thể sử dụng bất kì loại bút nào mà bạn ưa thích.
Bước 3: Bắt đầu học với các hình vẽ. Khi tiến hành tiếp thu kiến thức, bạn dùng bút vẽ lên giấy bất kỳ hình thù gì mà bạn muốn. Chúng có thể là những hình vẽ có chủ đích để minh họa cho nội dung học, hoặc thậm chí có thể là các đường nguệch ngoạc chằng chịt lên nhau. Trong phương pháp visualize cũng chỉ ra hình ảnh đóng vai trò quan trọng giúp người học dễ dàng đạt được mục tiêu của mình.
Bước 4: Kết hợp thêm với các ghi chú nhỏ. Bên cạnh những hình minh họa cho nội dung bài học, bạn có thể kèm thêm các ghi chú nhỏ để diễn giải tốt hơn cho nội dung bài học. Đây chính là những tư liệu quý giá giúp ích rất nhiều cho quá trình ôn tập lại. Bạn có thể tham khảo phương pháp ghi chú Cornell để làm tốt việc này.
Bước 5: Tiến hành ôn tập lại. Theo đường cong lãng quên của Ebbinghaus, kiến thức sẽ rơi vào quên lãng nếu không được ôn tập thường xuyên. Do vậy, bạn nên tiến hành ôn tập lại kiến thức mặc dù phương pháp Doodle giúp bạn ghi nhớ nhanh chóng hơn. Việc ôn tập thường xuyên giúp bạn củng cố kiến thức và có liên kết với các kiến thức mới tốt hơn, việc ghi nhớ cũng diễn ra nhanh hơn.
Lưu ý khi sử dụng phương pháp Doodle
Đơn giản hóa. Khi nghe đến phong cách học tập qua hình vẽ, có lẽ bạn sẽ tưởng tượng đến phương pháp trình bày thật chỉnh chu. Nhưng sự thật thì ngược lại, Doodle khuyến khích người học sử dụng các hình vẽ càng đơn giản càng tốt, chúng có thể có nghĩa hoặc không. Miễn sao trong quá trình thực hiện phương pháp này, bạn cảm thấy tập trung và tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Sử dụng thêm màu sắc. Để các hình vẽ minh họa của bạn không đơn điệu và kích thích não bộ tiếp thu nhanh hơn, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp từ màu sắc. Sử dụng nhiều màu khác nhau giúp hình vẽ trở nên sinh động hơn. Đồng thời việc ghi nhớ thông tin cũng trở nên dễ dàng hơn thông qua việc gán các màu với các hình vẽ của kiến thức tương ứng.
Đánh giá hiệu quả. Phương pháp ghi nhớ Doodle cũng như mọi phương pháp học tập khác, có thể phù hợp với một nhóm người nhất định. Khi trải nghiệm, bạn cần đưa ra nhận định liệu phương pháp này có hiệu quả với bản thân hay không và đưa ra điều chỉnh phù hợp.
Kết hợp với các phương pháp học tập khác. Để gia tăng hiệu quả học tập, bạn có thể kết hợp với nhiều phương pháp khác nhau như: Phương pháp Pomodoro, phương pháp Teach Back, phương pháp Reverse Learning, phương pháp Tony Buzan…
Tạm kết về phương pháp Doodle giúp ghi nhớ nhanh
Trên đây là một số nội dung về phương pháp ghi nhớ Doodle. Hy vọng rằng những thông tin vừa rồi giúp ích được đến công việc và học tập của bạn.
Bài viết thuộc chuỗi Tips For Learner – Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh. Hãy follow VMP Training để cập nhật thêm nhiều bài viết mới về chủ đề này nhé!