Đường cong lãng quên Ebbinghaus là một thí nghiệm nổi tiếng của nhà tâm lý học người Đức cùng tên. Dựa vào đường cong này, người học sẽ lên được kế hoạch học tập hiệu quả, trainer ứng dụng xây dựng khóa đào tạo nội bộ hiệu quả, marketer ứng dụng lên chiến dịch truyền thông nhắc nhớ thông điệp hiệu quả,….
Tại Tips For Learner tuần này, VMP sẽ giúp bạn tìm hiểu về đường cong lãng quên Ebbinghaus và cách ứng dụng nó để học tập, làm việc hiệu quả. Cùng nhau khám phá ngay nhé!
Bài viết này thuộc chuỗi Tips For Learner Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh. |
Đường cong lãng quên Ebbinghaus là gì?
Đường cong lãng quên Ebbinghaus được đặt tên theo nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus. Đường cong này mô tả mối quan hệ giữa việc học và quên thông tin trong bộ não của con người.
Theo Ebbinghaus, khi tiếp cận một khái niệm mới, ta sẽ quên theo thời gian nếu không tiếp tục sử dụng hoặc nhắc lại. Đường cong lãng quên cho thấy chỉ trong vòng 1 giờ, chúng ta có thể quên hơn 50% thông tin mới học. Trong vòng 24 giờ, ta có thể quên đi tới 70% thông tin đó. Và chúng ta sẽ quên gần như toàn bộ chỉ sau một tuần nếu không tiếp tục sử dụng hay nhắc lại kiến thức mới.
Có thể bạn quan tâm: 05 cách ghi nhớ kiến thức hiệu quả
Dựa vào đường cong lãng quên Ebbinghaus, bạn có thể lên kế hoạch ôn tập hiệu quả. Đây cũng là nội dung chúng tôi ứng dụng đưa vào khóa Train The Trainer 3+ giúp người học sáng tạo phương pháp dẫn giảng hiệu quả. Bên dưới là các mẹo giúp bạn ứng dụng đường cong lãng quên Ebbinghaus.
Ôn tập ngắt quãng
Đường cong lãng quên cho thấy rằng việc lặp lại các thông tin quan trọng giúp củng cố trí nhớ và giảm sự lãng quên. Vì vậy, bạn hãy thiết lập kế hoạch và phân bổ thời gian để lặp lại các thông tin quan trọng trong suốt thời gian học tập, làm việc của mình.
Ví dụ, khi tiếp cận một chủ đề mới. Bạn lên lịch ôn tập mỗi ngày vào tuần đầu tiên. Tuần thứ hai, bạn ôn tập giãn cách 2 – 3 lần về kiến thức đó. Tiếp tục ở tuần 3, nếu bạn thấy kiến thức nào khó nhớ, hãy bốc chúng ra và xếp lịch ôn tập hằng ngày. Kiến thức nào bạn cảm thấy quen thuộc, hãy phân loại chúng vào lịch ôn tập ngắt quãng. Việc này giúp bạn tối ưu hiệu quả ôn tập, bằng cách chia thời gian ôn tập trọng tâm. Những nội dung khó nhớ sẽ được ôn tập nhiều hơn những nội dung dễ.
Có thể bạn quan tâm: 05 gợi ý giúp bạn tìm kiếm thông tin hiệu quả
Ghi chép nội dung
Có thể bạn quan tâm: Phương pháp Cornell giúp bạn ghi chú logic
Đây là phần quan trọng giúp bạn có tư liệu để thực hiện ôn tập ngắt quãng. Như đã đề cập, bạn sẽ quên sạch toàn bộ mọi thứ chỉ sau một tuần không lặp lại kiến thức đã học. Và những ghi chép sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh giúp bạn lúc này. Bằng cách đọc lại những thứ đã note, bạn có cơ sở để mường tượng và ôn tập mọi thứ dễ dàng, nhanh chóng.
Hãy cố gắng ghi chép chi tiết về những thứ mới mẻ bạn được tiếp cận trong quá trình học và làm việc. Highlight nội dung quan trọng, phân chia các đề mục, chương dễ nhìn. Nó sẽ giúp việc ôn tập của bạn trở nên dễ thở hơn. Khi nhìn vào các mục đã note, bạn nắm được các nội dung quan trọng và lập kế hoạch ôn tập hợp lý.
Kết hợp, xâu chuỗi kiến thức
Việc ôn tập sẽ trở thành áp lực nặng nề nếu bạn tiếp cận ngày càng nhiều kiến thức mới. Nhưng nếu kết hợp, xâu chuỗi nội dung mới với những gì đã có sẽ giúp bạn giảm tải kiến thức ôn tập. Việc kết hợp kiến thức mới và cũ cũng giúp bạn sắp xếp trình tự logic mọi thứ.
Khi học một chủ đề mới, bạn hãy tìm cách liên kết với các kiến thức đã có. Nó sẽ giúp bạn dễ hình dung và hồi tưởng về toàn bộ kiến thức đã được học. Khi nhắc tới A, bạn sẽ liên tưởng đến B, C. Vậy kiến thức cũ hơn cũng đồng thời được ôn lại thông qua liên kết bạn đã tạo ra trước đó.
Sắp xếp thời gian học
Để tối ưu quá trình học tập, bạn có thể tập trung vào các nội dung quan trọng trong suốt một thời gian ngắn thay vì chia nhỏ chúng trong nhiều thời gian khác nhau. Thời gian học ngắn nhưng tập trung sẽ giúp tăng cường trí nhớ và giảm đường cong lãng quên.
Ví dụ, bạn phải trình bày trước sếp về kế hoạch đào tạo nội bộ năm. Bên cạnh việc chia nhỏ những phần trong bản kế hoạch để luyện tập theo tuần như gợi ý ở trên, bạn có thể dồn hai ngày gần với buổi thuyết trình để tập trung luyện tập, ghi nhớ kiến thức. Việc này giúp bạn tập trung tối đa và giảm thiểu tối đa sự quên lãng ngay lúc thực hiện phần trình bày.
Sử dụng các công cụ nhắc nhớ
Để tránh bị quên lãng, bạn cần được nhắc nhớ. Một số công cụ giúp nhắc nhớ hiệu quả là giấy sticky note, flashcard, app remind trên điện thoại, cài chuông báo nhắc nhở,….
Với sticky note, bạn ghi chú thông tin cần ôn tập và dán chúng ở nơi dễ nhìn thấy như trên bàn học, cửa tủ lạnh, cửa ra vào… Flashcard có thể được tận dụng cả hai mặt, một mặt để ghi từ khóa, mặt sau là nội dung chi tiết đầy đủ liên quan đến từ khóa đó. Bạn có thể phân loại flashcard để ôn tập theo ngày – tuần – tháng…. App remind và chuông báo nhắc sẽ giúp bạn không bị quên lịch ôn tập. Bằng cách tận dụng các công cụ trên, bạn có thể ôn tập kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi.
Tạm kết về mẹo ứng dụng đường cong lãng quên Ebbinghaus
Trên đây là toàn bộ thông tin về đường cong lãng quên Ebbinghaus và các mẹo để ứng dụng vào học tập, làm việc hiệu quả. Tin rằng những chia sẻ trên đây đã giúp ích được đến công việc của bạn.
Bài viết thuộc chuỗi Tips For Learner – Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh. Follow VMP để cập nhật các nội dung mới nhất về chủ đề này nhé!