Phương pháp blurting giúp bạn ghi nhớ thông tin chủ động thông qua việc đọc nhanh tài liệu, ghi chép và so sánh. Vậy ai đã sáng tạo nên phương pháp này? Cách ứng dụng để học tập hiệu quả như thế nào? Cùng khám phá ngay tại bài viết này nhé!
Bài viết này thuộc chuỗi Tips For Learner Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh. |
Phương pháp blurting là gì?
Phương pháp Blurting là một kỹ thuật học tập buộc bạn phải ghi nhớ thông tin một cách chủ động, bằng cách cố gắng viết lại những gì đã đọc được và đối chiếu với tài liệu gốc. Phương pháp này đã được người ta sử dụng trong nhiều thế kỷ để ghi nhớ thông tin. Một số người cho rằng phương pháp Blurting bắt nguồn từ phương pháp Socratic, một phương pháp giảng dạy được phát triển bởi triết gia Hy Lạp Socrates vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.
Phương pháp blurting nổi tiếng gần đây khi được Unjaded Jade chia sẻ trên mạng xã hội. Cụ thể, cô ấy đã đăng tải một video trên TikTok giải thích cách thức hoạt động của phương pháp này và chia sẻ trải nghiệm của bản thân khi sử dụng nó. Video này đã thu hút hàng triệu lượt xem và giúp phương pháp Blurting trở nên phổ biến rộng rãi hơn.
Phương pháp blurting dựa trên nguyên lý tăng cường học tập (reinforcement learning). Cách thức hoạt động qua 03 giai đoạn: Khởi tạo (người học bắt đầu với các hành động tiềm năng), lặp lại (thực hiện lặp đi lặp lại một loạt hành động), kết thúc (khép lại quá trình khi đã đạt được mục tiêu).
Ưu điểm của phương pháp blurting
Tăng cường khả năng ghi nhớ thông tin: Phương pháp blurting buộc người học phải tiếp xúc với kiến thức một cách liên tục, thông qua việc buộc bản thân phải nhớ lại thông tin, viết xuống giấy và so sánh lại với tài liệu gốc. Chính quá trình này sẽ khiến bạn nhớ lâu hơn.
Cải thiện khả năng tập trung: Khi thực hiện phương pháp blurting, người học buộc phải tập trung để có thể ghi nhớ chính xác thông tin cần học. Khi áp dụng phương pháp này đủ lâu, khả năng tập trung của bạn cũng sẽ được cải thiện.
Kích thích tư duy phản biện: Việc so sánh những gì bạn nhớ được với tài liệu gốc sẽ giúp bạn xác định những điểm chưa hiểu rõ và cần học thêm. Ngoài ra, việc nhận ra sự khác biệt giúp kích thích não bộ suy nghĩ, phân tích, thuyết phục bản thân tư duy theo hướng khác để ghi nhớ thông tin tốt hơn.
Phù hợp với nhiều đối tượng: Phương pháp Blurting có thể được áp dụng với nhiều lứa tuổi và trình độ học vấn khác nhau. Đối với trẻ nhỏ đang còn ngồi trên ghế nhà trường, có thể áp dụng phương pháp này để học các môn liên quan đến xã hội. Đối với người đi làm, có thể áp dụng để học các kiến thức liên quan đến chuyên môn, quy trình,…
Nhược điểm của phương pháp blurting
Có thể khó thực hiện và mất thời gian: Đối với những người mới tiếp cận phương pháp này, việc nhớ lại thông tin chủ động và ghi chép ra giấy có thể gây khó khăn. Người học phải tốn thời gian hơn khi phải ghi chép và rà soát lại nội dung thay vì chỉ đọc như phương pháp học thông thường.
Chỉ phù hợp với các tài liệu ngắn gọn và dễ hiểu: Đối với các tài liệu phức tạp, mang tính học thuật cao, phương pháp blurting có thể khó áp dụng. Vì có những tài liệu bạn cần đọc hiểu, sau đó tự rút ra bài học cho bản thân, thay vì phải nhớ nội dung như phương pháp blurting yêu cầu.
Có thể gây nhàm chán: Nếu bạn không áp dụng một cách sáng tạo, hoặc bạn không phải tuýp người có phong cách học tập thông qua việc nghiên cứu tài liệu thì phương pháp này có thể trở nên nhàm chán và khiến bạn mất hứng thú với việc học tập.
Cách áp dụng phương pháp blurting vào học tập
Bước 1: Mục tiêu. Bạn cần đề ra mục tiêu học tập trước khi áp dụng phương pháp blurting. Mục đích là bạn cần biết được mình sẽ học cái gì, cần đạt được điều gì sau khi kết thúc học tập. Qua đó, đánh giá được phương pháp này có hiệu quả hay không. Bạn có thể áp dụng SMART hoặc biểu đồ xương cá Ishikawa để lập mục tiêu hiệu quả.
Bước 2: Chọn tài liệu. Chọn tài liệu học tập cụ thể, tốt nhất, bạn hãy in ra giấy để học. Việc này giúp bạn tránh phân tâm so với việc dùng máy tính, ipad hoặc điện thoại. Ví dụ, bạn đang phụ trách bán hàng tại cửa hàng, bạn cần nhớ được quy trình thanh toán cho khách hàng. Hãy in quy trình này ra giấy và thực hiện bước tiếp theo.
Bước 3: Đọc nhanh. Đọc một đoạn tài liệu trong thời gian ngắn từ 5-10 phút. Hãy chọn ra một đoạn tài liệu bạn muốn học (ví dụ 3 bước đầu tiên trong quy trình thanh toán), sau đó cố gắng ghi nhớ những thông tin trong thời gian ngắn. Sau đó gấp tài liệu lại và đến bước tiếp theo.
Bước 4: Viết và so sánh. Viết lại những thứ bạn vừa nhớ được và so sánh với tài liệu gốc. Hãy liệt kê ra giấy những ý bạn đã nhớ được ở bước 3. Sau đó, so sánh những gì viết được với tài liệu gốc, tìm ra những điểm sai hoặc thiếu sót.
Bước 5: Ôn tập lại. Sau khi đã biết những điểm thiếu sót, bạn ôn tập lại, tập trung vào những điểm bị sai ở lần trước. Sau đó lặp lại liên tục từ bước 3 đến bước 4 cho đến khi nhớ được toàn bộ kiến thức cần học. Sau khi đã hoàn thành, hãy thử tóm tắt lại nội dung của tài liệu bằng ngôn ngữ của riêng bạn.
Khi đã thuần thục được phương pháp blurting, bạn có thể thử áp dụng với các tài liệu dài và phức tạp hơn.Bạn cũng có thể thử kết hợp với các phương pháp học tập khác, chẳng hạn như: phương pháp đọc nhanh Tony Buzan, phương pháp ghi chú logic Cornell, phương pháp đọc hiểu sâu SQ3R, phương pháp ghi chú dưới dạng câu hỏi, phương pháp Pomodoro, phương pháp Doodle, phương pháp Active Recall, phương pháp Simon, phương pháp học 3-2-1…
Bạn sẽ áp dụng phương pháp blurting như thế nào?
Trên đây là một số thông tin về phương pháp blurting giúp bạn học tập hiệu quả. Bạn sẽ áp dụng phương pháp này vào học tập như thế nào? Bạn cảm thấy bài viết này hữu ích đối với việc học tập của bạn chứ? Đừng ngần ngại comment phía bên dưới để cùng thảo luận sâu hơn với VMP về chủ đề này nhé!
Nội dung thuộc chuỗi Tips for learner – Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh.