Active Recall – Phương pháp chủ động gợi nhớ

Active Recall là phương pháp giúp bạn ghi nhớ mọi thứ một cách chủ động. Bộ não giống như thư viện, khi tiếp thu kiến thức mới, nó sẽ được lưu lại và cất vào ngăn. Để sử dụng kiến thức, bạn cần “search” đúng cách. Tại bài viết này, VMP sẽ giúp bạn tìm hiểu về active recall và sử dụng phương pháp này để học tập hiệu quả. Khám phá ngay nhé!

Bài viết thuộc chuỗi Tips For Learner – Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh.

Bài viết này thuộc chuỗi Tips For Learner 

Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh.

Khám phá Follow

Nguồn gốc hình thành phương pháp active recall

Vào cuối thế kỷ 19, nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus cung cấp nhiều thông tin về phương pháp học ngắt quãng (Spaced Repetition) trong công trình nghiên cứu về đường cong lãng quên của mình. Ông nhận ra rằng, việc lặp lại và nhắc lại kiến thức có thể cải thiện khả năng ghi nhớ của con người. 

Bên cạnh đó, các công trình của Henry L. Roediger III và Jeffrey D. Karpicke đã đóng góp nhiều vào việc khám phá lợi ích của việc thực hành lấy thông tin ra khỏi bộ nhớ (retrieval practice) trong quá trình học.

Hai công trình nghiên cứu này là nền tảng hình thành nên phương pháp active recall. Phương pháp này khuyến khích người học ghi nhớ thông tin bằng cách tạo thử thách cho não bộ và ôn tập thường xuyên. Sau đây là các một số cách giúp bạn áp dụng phương pháp này: 

Sử dụng flashcard

Một trong những cách áp dụng phương pháp chủ động gợi nhớ hiệu quả là sử dụng flashcard. Bạn sử dụng chúng để học những kiến thức khó nhớ. Với mỗi flashcard, bạn điền câu hỏi vào một mặt, mặt còn lại điền đáp án. 

Hãy chuẩn bị các hộp và bỏ flashcard vào để bốc thăm. Việc bốc trúng câu hỏi bất kì giúp kích thích não bộ hồi tưởng lại những kiến thức đã học. Khi bốc flashcard, hãy cố gắng trả lời bằng trí nhớ của bạn trước khi xem đáp án. Đối với những câu trả lời sai sót nhiều, bạn lập lịch ôn tập nhiều lần để ghi nhớ kiến thức tốt hơn. Những câu trả lời đúng lập lịch ôn ít hơn.

Tóm lại:

  1. Sử dụng flashcard cho kiến thức khó.
  2. Điền một mặt là câu hỏi, mặt sau là đáp án.
  3. Câu trả lời sai nhiều lần lập lịch ôn tập dày hơn.

Kết hợp với teach back

Tiếp theo, teach back là một trong những cách giúp bạn áp dụng active recall hiệu quả. Hãy tưởng tượng bạn phải dạy một nội dung khó cho người khác, bạn phải nói như thế nào để cho họ hiểu bài. Trong quá trình dạy, người học có thể đặt thêm các câu hỏi liên quan để làm rõ vấn đề, bạn sẽ trả lời các câu hỏi đó như thế nào. Nếu việc truyền đạt hoặc trả lời câu hỏi diễn ra không suôn sẻ, đây chính là lúc bạn cần ôn tập lại kiến thức đó.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tưởng tượng mình là người ra đề thi cho người học. Với cương vị này, bạn sẽ đặt những câu hỏi gì, kiến thức sẽ phân bố ra sao, phần nào sẽ là kiến thức đánh đố dành cho học sinh. Bằng cách này, bạn có thể tự đánh giá những kiến thức trọng tâm và dành thời gian để ôn luyện nhiều hơn.

Tóm lại:

  1. Dạy lại giúp củng cố toàn bộ kiến thức.
  2. Tưởng tượng là người ra đề thi giúp xác định được kiến thức trọng tâm.

Sử dụng sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy là công cụ rất tốt hỗ trợ cho phương pháp active recall. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách tận dụng mindmap để học tập hiệu quả. Đa số sẽ sử dụng tài liệu trong lúc tạo sơ đồ tư duy nhằm mong muốn có được bản vẽ hoàn hảo và đầy đủ nhất. Việc này không giúp ghi nhớ lâu, vì bạn chỉ đang chép thông tin từ dạng nhiều chữ sang dạng ít chữ hơn và minh họa thêm hình ảnh.

Để active recall hiệu quả, bạn cần tự mình vẽ ra sơ đồ tư duy mà không dùng bất kì tài liệu nào hỗ trợ. Việc này giúp não bộ cố gắng hồi tưởng lại những gì đã học được, sau đó liên kết chúng với nhau. Tự vẽ sẽ giúp bạn kiểm tra được lượng kiến thức mà mình đang có. Sau đó, bạn đối chiếu với kiến thức gốc, những chỗ còn thiếu sẽ là những kiến thức bạn cần học tập và ôn luyện thêm.

Tóm lại:

  1. Nên tạo sơ đồ tư duy mà không sử dụng tài liệu hỗ trợ.
  2. Đối chiếu sơ đồ với kiến thức gốc để xác định chỗ cần ôn tập.

Liên kết kiến thức với đồ vật, sự kiện cụ thể

Khi gặp các kiến thức phức tạp, sẽ rất khó khăn để ghi nhớ. Vì vậy, người ta thường dụng sự liên tưởng kiến thức với đồ vật hoặc sự kiện để ghi nhớ gián tiếp. Ví dụ: Khi học về cách giao tiếp với khách hàng, thay vì ghi nhớ các bước theo lý thuyết khô khan, người học tưởng tượng đang giao tiếp với khách hàng. Khung cảnh, nội dung nói, cử chỉ,… tất cả đều rõ ràng. Việc này giúp người học dễ dàng tưởng tượng và ghi nhớ kiến thức.

Hoặc người học có thể ghi nhớ kiến thức gắn với một sự kiện cụ thể. Ví dụ, hôm đi học về chi tiết máy, trên đường đi học trời mưa to, xe chết máy hai tiếng mới tới được lớp. Việc này có vẻ không liên quan với nhau, nhưng khi thực hiện ôn tập, người học sẽ nhớ tới kiến thức này được học trong ngày đặc biệt như thế. Chính dấu ấn đó neo trong não và tạo ấn tượng khiến người học nhớ lại. 

Tóm lại:

  1. Tưởng tượng bối cảnh thực tế áp dụng kiến thức.
  2. Gắn kiến thức với mốc thời gian, sự kiện cụ thể để ghi nhớ gián tiếp.

Bạn nghĩ gì về phương pháp học active recall?

Trên đây là một số thông tin và cách để áp dụng phương pháp active recall vào học tập. Bạn nghĩ như thế nào về chúng? Nếu là bạn, bạn sẽ chọn cách nào để áp dụng? Bạn có cách nào hay hơn để áp dụng active recall không? Nếu có đừng ngần ngại chia sẻ dưới phần bình luận bên dưới bạn nhé!

Một vài thông tin cung cấp thêm:

  1. Hermann Ebbinghaus (1850-1909) là một nhà tâm học người Đức nổi tiếng, được biết đến nhiều nhất với công trình nghiên cứu về quá trình học và quên. Ông được coi là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực tâm học thực nghiệm, nghiên cứu về học tập và trí nhớ.
  2. Henry L. Roediger IIIJeffrey D. Karpicke là các nhà nghiên cứu tâm học hoạt động ở Hoa Kỳ và đã thực hiện nghiên cứu trong nhiều năm khác nhau. Một số nghiên cứu nổi bật của họ bao gồm:
  • Retrieval Practice.
  • The Power of Testing Memory: Basic Research and Implications for Educational Practice.
  • Retrieval Practice Produces More Learning than Elaborative Studying with Concept Mapping.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.