Trong thị trường việc làm bất ổn, việc giữ chân nhân tài càng được các doanh nghiệp chú trọng. Có 03 giai đoạn cần tập trung đào tạo để giữ chân nhân tài, đó là: Onboarding, Pre-onboarding development và After a year. Vậy L&D cần làm gì ở mỗi giai đoạn này? Chúng ta sẽ khám phá ngay nhé.
Onboarding – Kiến thức cần được “rót” từ từ
Đây là giai đoạn nhân viên bắt đầu làm quen với vị trí mới. Do đó, các kiến thức, kỹ năng đều có phần mới mẻ đối với họ. Khi thiết kế chương trình đào tạo ở giai đoạn này, L&D cần lưu ý nên “rót” từ từ để nhân viên tránh bị ngợp. Đồng thời kết hợp các phương pháp đào tạo giúp nâng cao trải nghiệm học tập ở giai đoạn đầu tiên.
Vì nếu việc đào tạo ban đầu không hiệu quả có thể để lại ấn tượng xấu lâu dài cho nhân viên mới. Nhân tài có thể rời bỏ tổ chức ngay ở giai đoạn này. Hoặc nếu ở lại, họ có thể phát triển nhận thức tiêu cực về công ty. Nguy hiểm hơn nếu quan điểm này bị nhân rộng và vô hình tồn tại trong văn hóa doanh nghiệp.
Có 05 thứ cần chuẩn bị để triển khai Onboarding hiệu quả, đó là: Xác định năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân viên mới; Xây dựng quy trình và triển khai Onboarding; Tìm hiểu các hình thức hiệu quả để triển khai Onboarding; Chuẩn bị cách thức đo lường và đánh giá hiệu quả Onboarding và Xây dựng điểm vàng trong văn hóa học tập chủ động.
Pre-onboarding development – Đào tạo nhắc nhớ, củng cố liên tục
Sau đào tạo hội nhập, nhân viên mới chính thức bước vào guồng làm việc. Tại đây họ buộc phải áp dụng các kiến thức đã được đào tạo ở giai đoạn Onboarding để thực hiện công việc. Và một điều chắc chắn sẽ xảy ra đó là nhân viên sẽ bị quên và rơi rớt kiến thức.
Theo kết quả nghiên cứu về khả năng nhớ và quên của nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus, hơn 90% kiến thức sẽ bị lãng quên sau ngày thứ 31 kể từ khi được đào tạo. Do đó, để có thể nhắc nhớ kiến thức cho nhân viên, L&D cần thực hiện 5Re gồm: Review – ôn tập lại; Repeat – lặp lại; Restructure – tái cấu trúc nội dung; Reflect – suy ngẫm; Recap – viết lại nội dung.
Ngoài ra, L&D còn có thể áp dụng microlearning giúp nhân viên ghi nhớ những khía cạnh chính của khóa đào tạo. Việc áp dụng phương pháp này mang lại hai lợi ích chính: Người học nhanh chóng nắm thông tin và áp dụng vào công việc; Tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo.
After a year – Lộ trình đào tạo rõ ràng
Sau một năm làm việc tại doanh nghiệp, nhân viên đều mong đợi sự phát triển, thăng tiến hoặc các cơ hội tốt hơn trong tổ chức. Các chương trình đào tạo bắt đầu trở nên tẻ nhạt và đơn điệu trong mắt họ. Vì vậy, tổ chức cần đảm bảo nhân viên được tham gia vào các khóa đào tạo tốt hơn về chuyên môn hoặc kỹ năng mềm. Và các khóa học này được xây dựng dựa trên lộ trình đào tạo rõ ràng.
Lộ trình đào tạo giúp học viên hình dung rõ ràng những gì sẽ được học và lý do tại sao cần học. Qua đó gia tăng động lực tham dự vào lớp học và hiệu quả học tập ở mỗi người. Có một lộ trình đào tạo rõ ràng cũng giúp giữ chân nhân tài khi nhân viên thấy mình được phát triển và mang lại nhiều giá trị cho tổ chức.
Có 05 bước mà nhà L&D có thể áp dụng để xây dựng thành công lộ trình đào tạo cho nhân viên, đó là: Tìm hiểu nền tảng của học viên; Thiết lập mục tiêu; Lập ra và sắp xếp các học phần; Thiết kế khung khen thưởng sau khi hoàn thành lộ trình; Triển khai, theo dõi và rút kinh nghiệm.
Tạm kết về 03 giai đoạn cần tập trung đào tạo để giữ chân nhân tài
Xây dựng một hệ thống đào tạo bài bản là một trong những phương pháp giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài. Trên đây là 03 giai đoạn L&D cần tập trung đào tạo để có thể giữ chân được những nhân sự xuất sắc, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của doanh nghiệp.
Hy vọng bài viết hữu ích đến công việc của bạn. Nội dung được trích từ khóa Training Manager FX.