Để học một kiến thức mới siêu nhanh bạn cần chia sẻ lại cho người khác theo cách dễ hiểu nhất, đến nỗi một đứa bé cũng hiểu bạn đang nói gì. Và kỹ thuật Feynman là một trong những phương pháp giúp bạn làm được việc này. Hôm nay, VMP sẽ mách bạn 04 bước áp dụng kỹ thuật Feynman để hiểu sâu, nhớ lâu. Khám phá ngay!
Bài viết này thuộc chuỗi Tips For Learner Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh.
|
Kỹ thuật Feynman là gì?
Kỹ thuật Feynman là phương pháp học tập hiệu quả được đặt tên theo nhà Nobel vật lý Richard Feynman. Đây cũng chính là phương pháp học của Feynman và giúp ông trở nên nổi tiếng với biệt danh người có thể giải thích mọi khái niệm phức tạp thành đơn giản. Phương pháp này cũng được chia sẻ trong cuốn sách “Feynman Chuyện Thật Như Đùa”.
Có thể bạn quan tâm: 05 cách ghi nhớ kiến thức hiệu quả
Kỹ thuật Feynman giúp người học hiểu sâu, nhớ lâu. Bằng cách sử dụng ngôn ngữ đơn giản, trực quan để giải thích một khái niệm phức tạp. Vậy làm cách nào để ứng dụng quy tắc Feynman vào học tập hiệu quả? Dưới đây là 04 bước giúp bạn nhuần nhuyễn kỹ thuật này.
1. Chọn chủ đề và học nó!
Đầu tiên, bạn cần chọn một chủ đề nhất định và viết nó ra giấy. Chủ đề ở đây có thể là một khái niệm, công thức, lý thuyết hoặc một bài học nào đó bất kỳ trong sách giáo khoa, tài liệu, sách chuyên đề… Việc viết chủ đề xuống giấy là để bạn có thể tập trung tối đa vào chủ đề đó và tránh bị phân tán bởi những chi tiết không quan trọng.
Sau đó, hãy nghiền ngẫm chủ đề thông qua việc suy nghĩ, đặt câu hỏi, thảo luận và thực hành. Ở bước này, hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu và nắm thông tin về chủ đề mà bạn muốn học. Đây sẽ là nền tảng để bạn thực hiện bước tiếp theo.
2. Giải thích lại chủ đề cho người khác
Sau khi đã có được chủ đề ở bước 1, bạn tiến hành dạy lại, giải thích lại cho người khác về chủ đề đang nghiên cứu bằng các từ ngữ đơn giản nhất. Mục tiêu của bước này là giải thích khái niệm một cách dễ hiểu nhất, đến mức trẻ em cũng nắm được bạn đang nói về vấn đề gì. Trong trường hợp không có ai để dạy lại, hãy tưởng tượng nếu phải giải thích cho một em nhỏ về chủ đề này, bạn sẽ nói thế nào để em ấy hiểu.
Bạn có thể áp dụng cách sau để giải thích nội dung hiệu quả: Đọc lại chủ đề và chọn ra các khái niệm chính liên quan đến chủ đề đó; Cố gắng sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh, ví dụ và tóm tắt để giải thích các khái niệm cho người khác; Ghi chép lại hoặc thu âm lại khi đang giải thích cho người khác nghe. Đây sẽ là tư liệu để bạn thực hiện bước 3.
Có thể bạn quan tâm: Phương pháp đọc nhanh Tony Buzan
3. Tìm ra lỗ hổng kiến thức trong khi giải thích
Dựa vào tư liệu đã có tại bước 2, bạn tự xem xét lại lời giải thích của mình và đánh giá nó bằng các câu hỏi như: Tôi đã giải thích đúng chưa? Tôi đã bao quát hết những khía cạnh cần giải thích chưa? Nếu tôi là người nghe tôi có hiểu gì không?
Nếu trong quá trình giải thích, có đoạn bạn phải dừng lại để suy nghĩ hoặc không thể tìm được từ ngữ để nói cho người khác hiểu, hãy tham khảo lại tài liệu hoặc bài giảng để củng cố lại kiến thức của mình. Lưu ý rằng, việc tìm ra những khuyết điểm và sai sót trong khi giải thích là rất quan trọng. Nó giúp bạn hiểu sâu hơn về chủ đề và cải thiện khả năng diễn giải tốt hơn.
4. Giải thích lại bằng ngôn ngữ của bạn
Khi đã lấp đầy các lỗ hổng kiến thức, hãy cố gắng giải thích lại khái niệm bằng ngôn ngữ của bạn. Để làm được điều này, bạn phải mindmap toàn bộ mọi thứ theo cách hiểu của riêng bạn. Sau đó diễn tả lại cho người khác theo logic và trật tự mà bạn đã sắp xếp từ trước. Cuối cùng là thêm thắt bằng câu từ của bạn để diễn tả trở nên chân thật và dễ hiểu hơn đối với người nghe.
Nếu làm theo cách này, kiến thức sẽ được củng cố và dễ nhớ hơn đối với bản thân bạn. Thêm vào đó, việc chia sẻ lại giúp bạn ghi nhớ đến 90% kiến thức. Đây là kết quả đã được nghiên cứu và đúc kết bởi Viện thí nghiệm đào tạo quốc gia tại Mỹ vào năm 1960. Nghiên cứu được đúc kết thành tháp mức độ ghi nhớ bạn có thể tham khảo.
Lưu ý để áp dụng kỹ thuật Feynman hiệu quả
Thường xuyên tự hỏi đáp với chính mình. Để làm rõ kiến thức, hãy đặt cho mình những câu hỏi liên quan đến chủ đề bạn đang học hoặc vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết. Việc đặt câu hỏi và trả lời thường xuyên giúp bạn rèn luyện tư duy phản biện về một vấn đề. Những khúc mắc cũng sẽ hiện ra trong quá trình đặt câu hỏi. Qua đó bạn tìm lời giải cho những thắc mắc đó. Kiến thức và hiểu biết của bạn về vấn đề quan tâm cũng tăng lên một bậc.
Sử dụng hình ảnh và ví dụ càng nhiều càng tốt. Trong quá trình giải thích cho người khác, bạn hãy cố gắng sử dụng hình ảnh và ví dụ minh họa để biến khái niệm phức tạp trở nên đơn giản. Việc này mang lại lợi ích cho cả bạn và người nghe: Bạn hiểu rõ hơn và nhớ lâu hơn khái niệm; người nghe hình dung nhanh và dễ dàng.
Lặp đi lặp lại việc tìm ra lỗ hổng kiến thức và giải thích lại bằng ngôn ngữ của bản thân (tương ứng với bước 3, 4). Cách này giúp biến kiến thức hàn lâm thành của riêng bạn, sự hiểu biết cũng trở nên vững chãi hơn. Áp dụng hai bước này liên tục sẽ giúp bạn học siêu nhanh các kiến thức mới.
Tạm kết về kỹ thuật Feynman – Bí quyết giúp bạn học siêu nhanh
Trên đây là toàn bộ thông tin về kỹ thuật Feynman – Bí quyết giúp bạn học siêu nhanh. Tin rằng những chia sẻ này sẽ giúp bạn chinh phục mọi kiến thức, khóa học mong muốn và trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực của mình.
Bài viết thuộc chuỗi Tips For Learner – Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh. Follow VMP Training để cập nhật các bài viết mới nhất về chủ đề này nhé!