Phương pháp Shuhari – thành thạo rồi mới sáng tạo | VMP Academy

Phương pháp Shuhari có nguồn gốc từ đất nước mặt trời mọc. Với phương châm thành thạo rồi mới sáng tạo, phương pháp này cho phép người học trải qua 03 giai đoạn: Shu – thuần thục, tiếp theo là Ha – tự do và Ri – sáng tạo. Tại Tips For Learner tuần này, hãy cùng VMP tìm hiểu rõ hơn về phương pháp học tập mới mẻ này bạn nhé!

Bài viết này thuộc chuỗi Tips For Learner 

Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh.

Khám phá Follow

Phương pháp Shuhari là gì?

Phương pháp Shuhari nguồn gốc từ nghệ thuật võ Nhật Bản. Phương pháp này nói rằng người học có thể sáng tạo ra thế võ của riêng mình sau khi thuần thục và nhuần nhuyễn các nguyên tắc. Về sau, Shuhari được ứng dụng rộng rãi và trở thành xu hướng học tập được ưa chuộng. Phương pháp này nổi tiếng ngang với Kaizen.

Diễn giải nghĩa của Shuhari, ta có thể hiểu như sau: Người học trải qua 3 giai đoạn, đầu tiên là Shu – thuần thục, tiếp theo là Ha – tự do và Ri – sáng tạo. Vậy cụ thể người học sẽ ứng dụng Shuhari vào học tập như thế nào, cùng tìm hiểu ở phần bên dưới nhé!

Giai đoạn Shu – dung nạp kiến thức để thuần thục

Đây là giai đoạn đầu tiên của phương pháp Shuhari. Ở giai đoạn này, người học cần tập trung vào việc học những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực mình quan tâm.

Bạn phải tuân theo hướng dẫn của người dạy hoặc tài liệu học, tập trung vào việc tiếp thu và áp dụng các nguyên lý cơ bản. Việc luyện tập và lặp lại các kỹ thuật là quan trọng để xây dựng nền tảng vững chắc cho bước sau,

Lưu ý ở giai đoạn này là bạn cần làm đúng, đủ, chính xác theo hướng dẫn. Ví dụ, cấp trên của bạn hướng dẫn xử lý giấy tờ có 5 bước, bạn cần làm đúng và đầy đủ theo 5 bước đã được chỉ dạy. Cho dù bạn cảm thấy bước có thể rút gọn được nhưng khoan hãy làm. Việc của bạn ở giai đoạn này cần phải thành thạo 5 bước trước tiên. Đây là tiền đề vững chắc để bạn đẩy nhanh tiến độ cho hai giai đoạn sau.

Tóm lại, bạn cần:

  1. Tiếp nhận kiến thức.
  2. Làm đủ, đúng, chính xác theo hướng dẫn.

Giai đoạn Ha – Tự do thêm thắt và nhảy cóc

Sau khi trải qua giai đoạn Shu, bạn chuyển qua giai đoạn Ha của phương pháp Shuhari.  Ở giai đoạn này, người học bắt đầu tự tin hơn trong việc thực hiện và áp dụng những gì họ đã học. Họ bắt đầu thử nghiệm và tìm ra cách thức cá nhân hóa và cải tiến các kỹ thuật theo cách riêng của mình. Sự sáng tạo và linh hoạt được khuyến khích, giúp người học phát triển kỹ năng tự giải quyết vấn đề và tư duy độc lập.

Tiếp nối ví dụ ở trên, giai đoạn này bạn có thể rút ngắn các bước làm giấy tờ thành 3 hoặc 2 (tùy ngữ cảnh). Ngoài ra, bạn có thể thêm thắt cách làm để khiến công việc diễn ra nhanh hơn và mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ở giai đoạn này bạn vẫn phải phụ thuộc nhiều vào các bước cơ bản ở giai đoạn Shu.

Tóm lại:

  1. Bạn đã thuần thục các bước và có thể gộp hoặc cắt bỏ các bước.
  2. Thêm cách làm cá nhân để tối ưu hóa cách học và hiệu quả đạt được.

Giai đoạn Ri – Sáng tạo ra cách thức của riêng mình

Cuối cùng, giai đoạn Ri là giai đoạn bạn sáng tạo ra cách thức của riêng mình. Việc này chỉ có thể diễn ra khi bạn thực sự thuần thục ở 2 giai đoạn trước. Ở giai đoạn này, người học đã vượt qua việc chỉ làm chủ kỹ thuật và bắt đầu hiểu sâu hơn về ngữ cảnh và mục đích của lĩnh vực mình học. Bạn không chỉ áp dụng những gì đã học mà còn có khả năng tạo ra sự đổi mới trong lĩnh vực của mình.

Sự hiểu biết sâu sắc giúp người học trở thành những chuyên gia và những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực của mình. Bạn thường thấy những thiên tài nổi danh như Albert Einstein, hay Isaac Newton, Nikola Tesla… họ đều dành cả cuộc đời để nghiên cứu về lĩnh vực của mình và tìm ra được những phát minh vĩ đại được ứng dụng cho đến ngày nay. Những chuyên gia này đều đang ở cấp độ Ri. Họ hiểu rất sâu về lĩnh vực mình làm và có thể tạo ra sự đổi mới. 

Trong doanh nghiệp, bạn thấy những người làm lâu năm, hoặc những lãnh đạo đi lên từ cấp thấp, họ có kiến thức rất sâu rộng trong lĩnh vực đang làm việc. Lúc này, họ cũng đang ở giai đoạn Ri.

Tóm lại:

  1. Giai đoạn này chỉ xảy ra khi bạn thực sự nhuần nhuyễn Shu và Ha.
  2. Những người thuộc Ri thường là những chuyên gia trong ngành.

Làm cách nào để ứng dụng Shuhari hiệu quả?

Câu trả lời chỉ có một: đó chính là tập luyện. Ở mỗi giai đoạn, bạn cần tập luyện liên tục cho đến khi nhuần nhuyễn về kỹ năng rồi mới có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Tuyệt đối không gộp các bước để rút ngắn giai đoạn. Thông thường người ta sẽ có xu hướng gộp Shu và Ha hoặc đi tới giai đoạn Ha để rút ngắn thời gian. Nhưng nếu học tập theo cách này, gốc kiến thức của bạn không vững chắc, khi phát triển lên thì sẽ giống như một cái cây to bự nhưng gốc nông, có thể dễ dàng bị quật đổ nếu gặp trở ngại khó.

Ngoài việc siêng năng luyện tập, bạn có thể kết hợp với nhiều phương pháp học tập khác nhau như phương pháp Pomodoro, phương pháp active recall, phương pháp Doodle,… để nâng cao hiệu quả học tập và làm việc. 

Sự kiên nhẫn cũng là yếu tố cần thiết để bạn ứng dụng Shuhari hiệu quả. thời gian đầu khi áp dụng, có thể bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt khi phải làm theo đúng như chỉ dẫn. Tuy nhiên, đây là yếu tố tiên quyết để phương pháp này thành công. Hãy kiên nhẫn luyện tập, hướng đến mục tiêu và kiến thức, kỹ năng sẽ là của bạn.

Tóm lại:

  1. Tập luyện.
  2. Kết hợp với các phương pháp học tập khác: Pomodoro, Active Recall, Doodle…
  3. Kiên nhẫn.

Bạn sẽ ứng dụng phương pháp Shuhari như thế nào?

Trên đây là một số thông tin về phương pháp học tập của người Nhật – Shuhari. Bạn sẽ ứng dụng phương pháp này như thế nào? Hãy để lại bình luận bên dưới để cùng thảo luận với VMP bạn nhé!

Nội dung thuộc chuỗi Tips for learner – Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.