Đích đến cuối cùng của người quản lý là trở thành lãnh đạo kiệt xuất. Vậy, điểm khác biệt giữa quản lý và lãnh đạo là gì? Và làm thế nào để người quản lý có thể đạt được mục tiêu này? Tất cả sẽ có tại bài viết này.
Đây cũng là nội dung được Trainer Phan Hữu Lộc chia sẻ cùng các anh chị học viên trong khoá phát triển năng lực toàn diện cho quản lý thuộc dự án kiến tạo đội ngũ quản lý bền vững dành riêng cho ECCO ngày 12/02/2021 vừa qua.
Quản lý và lãnh đạo, liệu có giống nhau?
Hai khái niệm quản lý và lãnh đạo thường được nhắc đến đồng thời, chính điều này khiến nhiều người nhầm lẫn hai khái niệm này là một. Tuy nhiên, sẽ có những điểm khác biệt cơ bản để chúng ta có thể tách bạch và hiểu đúng về hai “chức danh” này.
Như Warren Bennis – tác giả của nhiều tựa nổi tiếng như On becoming a leader, Leaders: Strategies for taking charge, Learning to Lead,… đã từng nhận định: “Quản lý nghĩa là dẫn dắt, hoàn thành công việc, chịu trách nhiệm và tiến hành. Lãnh đạo là tạo ảnh hưởng, là dẫn dắt định hướng về cách thức, tiến trình, hành động và quan điểm.”
Hay chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản hơn rằng lãnh đạo là những người quan tâm đến việc phát triển con người trong tổ chức và tạo ảnh hưởng. Trong khi đó nhà quản lý quan tâm nhiều hơn đến kết quả công việc và giám sát nhân viên dưới quyền.
Để trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, người quản lý cần phải dịch chuyển mối quan tâm sang việc tạo ảnh hưởng và phát triển con người nhiều hơn việc chăm chăm vào kết quả công việc. Vì theo John Maxwell, nhà lãnh đạo nếu muốn đạt được cấp độ cao nhất cần phải trải qua một bước kế cuối là phát triển đội ngũ kế thừa.
5R – Cách giúp nhà quản lý trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất
Tại khoá phát triển năng lực toàn diện cho quản lý, Trainer Phan Hữu Lộc đã chia sẻ đến các anh chị học viên cách để trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất. Thông qua 5R – là viết tắt của Rights, Relationship, Result, Reproduction, Respect.
Rights – Tạo ảnh hưởng
Trong quản trị hiện đại, việc nhà lãnh đạo gây ảnh hưởng thông qua chức danh đã dần giảm bớt. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo tạo ảnh hưởng thông qua năng lực chuyên môn, năng lực thể hiện và sự tín nhiệm.
Nhà quản lý có thể phát triển thương hiệu bản thân thông qua công thức CARE, là viết tắt của Core value – Xác định giá trị bản thân, Appearance – Dáng vẻ bề ngoài & phi ngôn ngữ, Reputation – Tạo dựng danh tiếng cá nhân, Engagements – Giao tiếp và tạo sự gắn kết.
Bên cạnh việc trau dồi những giá trị bên ngoài bản thân, nhà quản lý cần liên tục cập nhật các kiến thức chuyên môn, kiến thức về lãnh đạo để “tốt gỗ tốt cả nước sơn”. Hãy trau dồi, hoàn thiện bản thân từng ngày trước khi trở thành lãnh đạo tạo ảnh hưởng.
Relationship – Tạo gắn kết đội ngũ
Có đến 56% các nhà lãnh đạo coi việc tạo động lực và gắn kết đội ngũ là một trong ba nguyên tắc quan trọng hàng đầu cần phải làm. Có đến 66% nhân viên được khảo sát coi động lực là một trong ba nguyên tắc mà họ muốn thấy hơn cả ở người lãnh đạo.
Chìa khoá giúp nhà quản lý tạo gắn kết đội ngũ và tạo động lực cho nhân viên chính là “giao tiếp hoà hợp”. Mô hình tâm lý hình học do tiến sĩ Susan Dellinger nghiên cứu và phát triển là công cụ tuyệt vời giúp nhà quản lý có thể khám phá về tính cách của bản thân và hiểu rõ hơn về các thành viên trong team.
Mô hình này dùng các hình học để biểu trưng cho các loại tính cách khác nhau, cụ thể: hình tròn – người ôn hoà, cảm xúc; hình vuông – người quy củ, logic; hình tam giác – người quyết đoán, hướng tới mục tiêu; hình gợn sóng – người sáng tạo, nhiệt tình; hình chữ nhật – người đang tìm hướng phát triển.
Result – Đột phá mục tiêu
Kết quả công việc là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên nhà lãnh đạo kiệt suất. Theo đó, nhà lãnh đạo phát triển con người với mục đích nhằm nâng cao hiệu suất làm việc của đội nhóm và đạt được những mục tiêu lớn hơn.
Chính vì vậy, việc nhà lãnh đạo đề ra mục tiêu thông minh để đội nhóm làm theo là rất quan trọng. Nếu mục tiêu “SMART” thì đội nhóm mới có khả năng thực hiện. Ngược lại, nếu không đảm bảo SMART, đội nhóm không đạt được mục tiêu và có khả năng xảy ra xung đột nội bộ.
Bằng cách tác động tạo ảnh hưởng lên đội nhóm, thông qua các hoạt động như lên kế hoạch thông minh bằng 5W1H, xác định quy trình làm việc với PDCA, giao việc hiệu quả với POSTC+, STARS, điều phối cuộc họp chuyên nghiệp với LION,… nhà quản lý có thể cải thiện hiệu suất của đội nhóm và tiến gần hơn tới đích trở thành nhà lãnh đạo kiệt suất.
Reprocduction – Phát triển đội ngũ
Như đã đề cập, việc phát triển đội ngũ là bước đệm quan trọng giúp nhà quản lý trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất. Việc sở hữu một đội ngũ có đầy đủ năng – động lực làm việc cũng giúp bạn trở nên “nhàn hơn”. Bạn có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các công việc chuyên môn, kết quả là hiệu suất công việc tăng, bạn nhận được nhiều sự tín nhiệm hơn từ cấp trên.
Vậy làm thế nào để có thể nâng cao chất lượng đội ngũ với vai trò là một nhà quản lý? Bạn có thể tổ chức các khoá đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn nhân viên như áp dụng on the job training, VMP Coaching… để giúp mọi thành viên trong đội ngũ có đủ khả năng và động lực làm việc, sau đó giao việc để nhân viên thực hiện. Liên tục lặp lại chu trình trên là bạn đã có thể nâng cao chất lượng đội ngũ của mình.
Bạn có thể quan tâm: 03 “CHÌA KHÓA” XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ QUẢN LÝ BỀN VỮNG
Respect – Nâng tầm ảnh hưởng
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Eleanor Roosevelt từng nói: “Một nhà lãnh đạo tốt là người biết truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo xuất sắc là người biết truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào chính bản thân họ”.
Hãy nâng tầm ảnh hưởng của mình bằng cách truyển cảm hứng cho nhân viên, để họ có thêm động lực làm việc và gắn bó với đội ngũ. Có 05 yếu tố giúp bạn có thể nâng cao được sức hút cá nhân: sự tự tin từ bên trong, dáng đứng thẳng, giao tiếp nhiều hơn bằng mắt, ngôn ngữ của đôi tay, cảm xúc trên gương mặt.
Hãy can đảm, nhiệt tình giúp đỡ nhân viên của mình, hãy nhạy bén với những biến động từ bên ngoài, hãy nói chuyện với nhân viên bằng phong thái tự tin, giọng điệu lưu loát, hãy không ngừng trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng chuyên môn để có thể nâng tầm ảnh hưởng của bản thân lên đội nhóm. Làm được những điều này là bạn đang tiến gần với đích đến trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất.
Tạm kết về cách để trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất
Hy vọng bài viết này giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn và hình dung rõ ràng hơn về nhà quản lý và lãnh đạo. Đồng thời biết cách để trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất trong tương lai.
Cảm ơn các anh chị quản lý ECCO đã tin tưởng đồng hành cùng VMP Academy trong dự án đào tạo lần này. ECCO là doanh nghiệp có lịch sử lâu đời, xuất hiện từ năm 1963 tại Đan Mạch và hiện đang phủ sóng khắp các quốc gia trên thế giới. Đây là nơi cung cấp các loại giày dép, túi xách được làm từ da cao cấp.