Bạn có bao giờ nghe tới phương pháp học thông qua dạy lại cho người khác, hay còn gọi là teach back? Phương pháp nghe có vẻ khá lạ lùng nhưng mang lại hiệu quả vô cùng lớn. Hôm nay, Tips For Learner sẽ giúp bạn tìm hiểu về phương pháp học mới mẻ này. Cùng khám phá ngay nhé!
Phương pháp teach back là gì?
Đây là phương pháp học tập thông qua việc giảng dạy lại cho người khác. Không có một nghiên cứu hay số liệu cụ thể nào nói về lịch sử hình thành của phương pháp này. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa trên tháp mức độ tiếp thu để nói về hiệu quả của phương pháp teach back. Theo đó, khi dạy lại cho người khác, người thực hiện sẽ lĩnh hội được 90% kiến thức.
Phương pháp này nhấn mạnh việc người học phải hiểu sâu về nội dung học và có khả năng truyền đạt lại thông tin đó một cách rõ ràng, logic. Sau khi học một khái niệm hoặc một phần nội dung, người học phải tổ chức và trình bày lại thông tin đó cho người khác. Việc giảng dạy lại giúp người học tạo ra một bản tóm tắt tổ chức trong đầu mình, kiểm tra hiểu biết, và điều chỉnh cách truyền đạt để làm cho thông tin trở nên rõ ràng dễ hiểu hơn.
Ưu điểm của phương pháp teach back
Củng cố kiến thức. Phương pháp Teach Back yêu cầu người học hiểu sâu về nội dung học và truyền đạt nó cho người khác. Vì vậy, giảng lại cho người khác giúp củng cố kiến thức, nhớ lâu hơn.
Tự đánh giá mức độ hiểu biết của bản thân. Khi thực hiện teach back, người học nhận phản hồi từ người nghe và có thể nhận biết được các khía cạnh mà mình chưa hiểu rõ hoặc cần cải thiện.
Nâng cao kỹ năng giao tiếp. Khi giảng dạy lại, người học phải tìm cách truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và dễ hiểu. Điều này giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp, khả năng diễn giải và truyền đạt thông tin phức tạp.
Nhược điểm của phương pháp teach back
Chưa phù hợp với mọi người. Cũng giống mọi phương pháp học tập khác, phương pháp dạy lại có thể không phù hợp với mọi người. Đặc biệt là những người ít tự tin trong việc giao tiếp hoặc những người khó khăn trong việc sắp xếp thông tin và truyền đạt.
Phương pháp này đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực để thực hiện quá trình giảng dạy lại. Vì vậy, có thể hạn chế trong một số trường hợp, ví dụ như buồi học ngắn 1- 2 tiếng. Teach back có thể làm giảm hiệu suất học tập và tạo áp lực thêm cho người học.
04 bước áp dụng phương pháp teach back
Bước 1: Học để nắm vững về kiến thức
Đầu tiên bạn cần học tập thật nghiêm túc và chăm chỉ để thẩm thấu được kiến thức trong bài học. Bạn có thể sử dụng các phương pháp học tập hiệu quả như phương pháp
Pomodoro, phương pháp đọc Tony Buzan, phương pháp visualize,…
Bước 2: Tổ chức thông tin logic
Sau khi tiếp nhận thông tin, bạn tiến hành hệ thống tất cả thông tin theo trật tự logic và dễ nhớ. Bạn có thể sử dụng phương pháp ghi chú Cornell hoặc mindmap để hỗ trợ cho phần này. Việc hệ thống kiến thức giúp bạn một lần nữa ôn tập kiến thức. Đồng thời, việc hệ thống sẽ giúp bạn có các sợi dây liên kết kiến thức, phục vụ cho việc dạy lại mạch lạc, rõ ràng.
Bước 3: Tiến hành dạy lại
Sau khi đã trang bị “vũ khí”, giờ bạn cần tìm đối tác để “nã đạn” kiến thức. Họ có thể là bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp. Bạn nhờ họ đóng vai là học trò và bắt đầu trình bày lại thông tin đã học một cách rõ ràng, logic. Đặt câu hỏi cho người nghe để kiểm tra sự hiểu biết của họ và tạo ra sự tương tác. Phương pháp teach back được VMP ứng dụng rất nhiều trong khóa Train The Trainer 3+ nhằm giúp người học luyện tập khả năng thuyết trình.
Bước 4: Lắng nghe phản hồi từ người học
Bước này rất quan trọng, nó giúp bạn đánh giá được khả năng trình bày và truyền đạt của bản thân. Bằng cách kiểm tra xem người nghe có hiểu đúng những gì bạn truyền đạt hay không thông qua các câu hỏi tương tác. Qua đó, bạn tiến hành điều chỉnh ngôn từ, cách diễn đạt sao cho dễ hiểu hơn.
Lưu ý khi sử dụng phương pháp teach back
Tạo ra môi trường thoải mái. Không phải ai cũng có đủ thời gian, nhẫn nại để ngồi nghe bạn thao thao bất tuyệt về một vấn đề nào đó. Do đó, để phương pháp teach back được hiệu quả nhất, bạn cần tạo ra môi trường học tập thoải mái. Hãy đảm bảo rằng người nghe đang trong trạng thái sẵn sàng nghe, thoải mái về mặt thời gian, không gian ngồi.
Đặt câu hỏi tương tác với người nghe. Để đảm bảo rằng buổi học thông qua dạy lại không đến từ một chiều và nhàm chán, bạn cần lấy được sự tương tác từ người nghe. Hãy tận dụng những câu hỏi. Điều này giúp người nghe tập trung, đồng thời bạn cũng kiểm tra được liệu mình đang truyền đạt ổn không.
Kết hợp với các phương pháp học tập khác. Để tối ưu hiệu quả học tập, bạn cần kết hợp phương pháp dạy lại với các phương pháp học tập khác để tạo ra một trải nghiệm học tập đa dạng. Chúng có thể là bài tập thực hành, thảo luận nhóm, hoặc nghiên cứu thêm để tăng cường hiểu biết.
Tạm kết về phương pháp teach back
Trên đây là một số thông tin về phương pháp dạy lại. Hy vọng rằng nó giúp ích được đến công việc và học tập của bạn.
Bài viết thuộc chuỗi bài viết Tips For Learner – Bí quyết để việc học dễ như ăn bánh. Follow VMP Training để cập nhật thêm nhiều bài viết về chủ đề này bạn nhé!