CEO Phan Hữu Lộc, Hạnh phúc từ việc truyền cảm hứng cho doanh nhân

Kinh doanh trong lĩnh vực đang trở nên “nở rộ” là đào tạo kỹ năng cho lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, CEO Phan Hữu Lộc đã tạo nên sự khác biệt và thành công bằng sự nhiệt huyết trong cách truyền cảm hứng và những kỹ năng “made in Vietnam” cho người học.

Người truyền cảm hứng

Nhận được lịch hẹn sau buổi đứng lớp đào tạo Leadership 360 độ dành cho quản lý cấp trung của các doanh nghiệp, nhưng phải mất khá lâu để có thể gặp CEO Phan Hữu Lộc, bởi không nỡ ngắt lời khi anh còn đang hăng say giảng dạy với các học viên của mình về cách ứng dụng các lý thuyết quản trị trong thực tế.

Anh bắt đầu câu chuyện của mình với ánh mắt đầy nhiệt huyết xen lẫn sự ưu tư. “Khi doanh nghiệp ngày càng cạnh tranh, đội ngũ nhân lực càng quan trọng, dẫn tới nhu cầu phát triển năng lực cho đội ngũ trở nên cấp thiết. Tại các nước phát triển, việc đào tạo này đã phát triển mạnh mẽ, nhưng ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp có trưởng phòng đào tạo không nhiều, chỉ khoảng 10% và tập trung vào các tập đoàn lớn”, anh nói.

Chính những nhìn nhận mà vị CEO sinh năm 1977 này rút ra sau quãng thời gian 5 năm làm Quản lý Bán hàng cho Unilever và hơn 8 năm làm về đào tạo Bán hàng và Quản lý bán hàng tại các tập đoàn như Coca-Cola, Mead Johnson, Diageo, Bayer…, đã giúp anh có động lực và niềm tin để thành lập Công ty Đào tạo nhân lực Việt (VMP Global Training) vào năm 2011, đặt chân vào lĩnh vực huấn luyện kỹ năng và phát triển năng lực cá nhân.

Chính sự thấu hiểu ấy cùng những kinh nghiệm thực tế có được trong suốt quãng thời gian làm cho các tập đoàn đa quốc gia, VMP Global Training ngay từ đầu đã xác định hướng phát triển theo cách chuyên nghiệp khi trở thành đối tác chiến lược của các tổ chức đào tạo nhân lực quốc tế như Leadership Foundation Academy (Hoa Kỳ), MPI (Vương quốc Anh) và ASIA (Singapore).

CEO Phan Hữu Lộc đã phát triển gần 50 chương trình được đánh giá ứng dụng cao, khi có tới  hơn 80% khách hàng thường xuyên mời anh giảng dạy trở lại. Trong đó, các chương trình giữ quyền tác giả được biết đến như “Action Selling Model”, “PHL Ways to Train the trainers”, “Coaching skills for managers” và “Train the leaders”.

Đến nay, VMP đã tổ chức đào tạo cho hơn 1.000 doanh nghiệp với trên 9.000 học viên là các cấp quản lý lãnh đạo, nhân viên đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại và dịch vụ sản xuất, tài chính và nhân sự.

Phan Hữu Lộc tự hào, điểm khác biệt làm nên thành công nói trên của VMP chính là chiến lược marketing theo nhãn hàng mà anh đã học hỏi và đúc kết ra trong suốt quá trình làm việc. “Mọi người có thể không quá quan tâm đến Unilever, nhưng chắc hẳn ai cũng biết đến bột giặt Omo hay dầu gội Sunsilk. Do đó, VMP tiến hành các chương trình đào tạo mang lại giá trị thực sự thông qua phương pháp và chương trình đào tạo chuyên biệt, VMP làm theo chiến thuật “cuốn chiếu”, hoàn tất một sản phẩm và dịch vụ hoàn hảo sau đó mới tung ra sản phẩm tiếp theo, với điểm tựa là uy tín của thương hiệu sản phẩm trước”, CEO Phan Hữu Lộc chia sẻ.

“Tôi cảm ơn những thất bại”

Để đạt được những thành công đó, giống như bất cứ ai từng khởi nghiệp, CEO Phan Hữu Lộc cũng từng gặp không ít thất bại. Anh đã từng khởi nghiệp ở rất nhiều lĩnh vực như nhà hàng, công ty thương mại dịch vụ điện, công ty ly giấy…, nhưng kết quả chung là đều phá sản. “Nếu không có những khó khăn, thất bại thời đó thì chưa hẳn tôi được như ngày hôm nay”, anh nhớ lại.

Theo Phan Hữu Lộc, những thất bại ấy đến từ nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân lớn nhất đầu tư vào lĩnh vực mà mình chưa hiểu rõ và không dành nhiều sự tập trung đúng mức vào lĩnh vực đã đầu tư. “Do đó, tôi luôn tập trung và có trách nhiệm với những gì đã quyết định làm cho dù những việc nhỏ nhất. Sự tập trung và tinh thần trách nhiệm trong công việc đã chọn sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong sáng tạo, đột phá và tạo ra sự khác biệt”, anh tâm sự.

Có lẽ, cũng bởi vậy sau khi thử thách mình qua nhiều lĩnh vực khác nhau, đào tạo nhân lực là “bến đỗ” mà Phan Hữu Lộc lựa chọn. Nhưng để đạt được những thành công như hôm nay, CEO Phan Hữu Lộc và VMP cũng trải qua không ít khó khăn, từ những ngày chưa ai biết tới thương hiệu, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng, quy trình bán hàng và marketing chưa chuyên nghiệp…

Nhưng những khó khăn đó không làm vị CEO này nản lòng. Với con mắt của một nhà quản lý và đào tạo quản lý, Phan Hữu Lộc xây dựng cho VMP một chiến lược kinh doanh với tầm nhìn dài hạn, dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Thay vì những kiến thức  mang tính sách vở, bản thân Phan Hữu Lộc cũng đặt mình vào vị trí người học khi trải qua không ít khóa huấn luyện Train the trainers trước khi cải tiến cho phù hợp với môi trường làm việc tại Việt Nam.

Anh bảo, cơ hội đến với mọi người là như nhau và quan trọng hơn là mình luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những cơ hội, đó chính là yếu tố giúp VMP đạt được những thành tựu hôm nay.

Chiến lược “hữu xạ tự nhiên hương”

Những năm gần đây, thế giới phát triển một khái niệm khác rộng hơn về học tập – đó là học tập suốt đời. Và dĩ nhiên, tinh thần học tập suốt đời ấy cũng được Phan Hữu Lộc áp dụng một cách nhuần nhuyễn trong suốt quá trình giảng dạy của mình.

“Điều thú vị khi làm trong lĩnh vực này, đó là truyền tải kiến thức, kỹ năng cho người khác cũng đồng thời nâng cao trình độ bản thân mình. Tôi học được rất nhiều điều từ các anh chị học viên”, Phan Hữu Lộc chia sẻ.

Làm được điều ấy là bởi, anh luôn tìm được niềm vui trong công việc. Anh cho biết, mọi người đón nhận và đánh giá cao kiến thức mà anh mang lại, điều đó khiến anh và những học viên luôn cảm thấy vui vẻ và không còn cảm giác là một lớp học. Trong mỗi chương trình học của VMP, 70% thời gian được dành cho thực hành, trong khi phần thời gian còn lại được dành cho những kiến thức mang tính lý thuyết.

Đến nay, 50 học viên từng tham gia các chương trình đào tạo Train the trainers của Phan Hữu Lộc, ngoài làm công tác đào tạo trong các doanh nghiệp lớn đã trở thành giảng viên đào tạo các khóa học tương tự chương trình của VMP.

Phan Hữu Lộc chia sẻ, anh không ngại sự cạnh tranh, bởi khi trình độ của họ được nâng lên sẽ tạo ra động lực để chính anh nâng cao trình độ bản thân. “Nếu tôi chỉ giữ lại những kiến thức của mình thì không đóng góp được bao nhiêu cho cộng đồng, trong khi 50 học viên của tôi tham gia giảng dạy sẽ góp phần nâng cao uy tín, gia tăng khách hàng cho VMP, bởi 50 học viên ấy là những đối tác của VMP”, anh nói.

Trong kinh doanh, chia sẻ những bí mật là điều gần như không thể. Nhưng với tố chất của một người chia sẻ, Phan Hữu Lộc lựa chọn trở thành đối tác thay vì trở thành đối thủ, để những kiến thức và nhiệt huyết của mình được lan tỏa tới cộng đồng những nhà lãnh đạo, quản lý. Tư duy cởi mở cùng chiến lược “hữu xạ tự nhiên hương” ấy, chắc chắn sẽ mang đến thêm nhiều thành công cho anh.

Cảm nhận của các nhà quản lý, lãnh đạo với chương trình Train the trainer của CEO Phan Hữu Lộc

Lê Quốc Dương, Giám đốc Công ty Đầu tư và Xây dựng Ngân Thương

Cám ơn khóa học đã cho tôi nhận biết hơn về bản thân mình: khả năng, tư duy, kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức… đều có sẵn trong bản thân nhưng quan trọng bạn hiểu và khai thác nó như thế nào cho hiệu quả. “Train the trainer” đã thắp lên ngọn lửa đam mê trong tôi và sẽ là cẩm nang cho tôi trong hành trình bản thân trong tương lai!

Trần Khắc Dũng, National Sales Manager (Foodservice) Rich Products Vietnam

Tôi đã học khoá Train the trainer của VMP cách đây hơn 1 năm. Sau khoá học, tôi đã thay đổi hoàn toàn cách truyền đạt, tổ chức các buổi họp, tổ chức các lớp học và làm facilitator (điều giảng viên) cho các diễn đàn ngày càng tự tin và hiệu quả. Không những thay đổi phương pháp dạy mà cả phương pháp học. Khoá học phù hợp với vị trí quản lý; các trainer hoặc những người có công việc đào tạo nhân viên, khách hàng.
Tôi đã thay đổi và tôi tin bạn cũng vậy.

Kỳ Thành Từ Báo Đầu Tư

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *