Là nhà phụ trách đào tạo – phát triển và bạn mất đi tiếng nói trong tổ chức chỉ vì không đưa ra được con số chứng minh hiệu quả đào tạo. Kết quả là bạn đưa ra đề xuất chiến lược đào tạo không được chấp thuận. Ngược lại còn phải quay cuồng làm theo chỉ thị phòng ban khác. Bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết khó khăn trên khi cung cấp các công cụ đánh giá hiệu quả sau đào tạo một cách chuẩn xác nhất.
Mô hình Kirkpatrick – Đánh giá hiệu quả đào tạo với 04 cấp độ
Mô hình Kirkpatrick là công cụ đánh giá hiệu quả sau đào tạo được sáng tạo vào những năm 1950 bởi giáo sư Donald Kirkpatrick, Đại học Wisconsin. Theo đó, ông thử nghiệm đánh giá hiệu quả đào tạo với 04 cấp độ: Reaction – Phản ứng; Learning – Học tập; Behavior – Hành vi; Result – Kết quả.
Ở cấp độ 1, nguyên liệu bạn cần thu thập được là cảm xúc của người học sau khóa học. Cấp độ 2, bạn đo lường kiến thức mà học viên đã thu thập được sau khóa học. Cấp độ 3 đánh giá thay đổi về mặt hành vi. Bạn có thể thực hiện thông qua đánh giá 360 độ. Và cuối cùng, cấp độ 4 là cấp độ đánh giá thông qua kết quả công việc mà người học mang lại.
Khi đi từ cấp độ 1 đến 4, các kỹ thuật đánh giá sẽ trở nên ngày càng phức tạp và dữ liệu thu thập được sẽ ngày càng khó. Vì vậy, đa số các nhà phụ trách đào tạo chỉ dừng lại ở cấp độ 1 và 2. Tuy nhiên, những dữ liệu có giá trị nhất sẽ bị loại bỏ và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả các khóa đào tạo trong tương lai. Lời khuyên từ các chuyên gia là hãy thực hiện đầy đủ 4 cấp độ đánh giá, dù cho cấp 3 và 4 sẽ tốn thời gian và công sức.
Phillips ROI – Công cụ đánh giá hiệu quả sau đào tạo nâng cấp của Kirkpatrick
Phillips ROI hay còn gọi là công cụ đánh giá hiệu quả sau đào tạo dựa trên vốn đầu tư được Phillips công bố vào năm 2003. Mô hình ra đời dựa trên ý nghĩ: “Đào tạo là khoảng vốn đầu tư, không phải chi phí. Đánh giá hiệu quả đào tạo là đánh giá hiệu quả đầu tư”.
Và mô hình Phillips ROI được phát triển dựa trên mô hình Kirkpatrick trước đó, nên 04 cấp độ ban đầu được giữ nguyên. Điểm mới là phát triển thêm bước thứ 5: Tính ROI. Tác giả cho rằng sau khi chỉ ra được tác động của đào tào ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, có thể quy đổi tác động này thành tiền tệ và đánh giá dựa trên ROI: [(Lợi ích đào tạo – Chi phí đào tạo)/Chi phí đào tạo]*100%
Lợi ích đào tạo có thể được đo đếm bằng giá trị lợi nhuận công ty đạt được sau khi tổ chức chương trình đào tạo. Chi phí đào tạo sẽ bao gồm toàn bộ các chi phí từ nhân sự, tổ chức, chi phí về mặt thời gian trong quá trình triển khai chương trình đào tạo,…
CIPP – Mô hình đánh giá đào tạo theo giai đoạn
Nếu như hai mô hình trước đánh giá đào tạo theo các cấp độ thì CIPP là mô hình giúp bạn đánh giá theo giai đoạn. Mô hình này được tạo ra bởi Daniel Stufflebeam vào năm 1983. Mô hình đánh giá tập trung vào 4 khía cạnh: mục tiêu tổng thể, kế hoạch & nguồn lực, các hành động cụ thể, kết quả đạt được.
Theo mô hình CIPP, bạn sẽ đánh giá hiệu quả sau đào tạo theo 04 giai đoạn, đó là: Context – bối cảnh (mục tiêu khóa học có phù hợp với bối cảnh của doanh nghiệp, thị trường?), Input – đầu vào (nội dung chương trình và cơ sở hạ tầng triển khai đào tạo), Process – quá trình (mức độ tham gia của người học và phương pháp dẫn giảng), Product – kết quả (chương trình mang lại giá trị gì cho học viên).
Mô hình này có ưu điểm là chia thành từng giai đoạn, đánh giá từ chi tiết đến tổng thể. Vì vậy, nếu trong quá trình đánh giá, có điểm nào chưa được, người thực hiện đánh giá có thể nhanh chóng đưa ra các điều chỉnh thích hợp để tạo nên một chương trình đào tạo hoàn thiện nhất.
Tạm kết về 03 công cụ đánh giá hiệu quả sau đào tạo
Đánh giá hiệu quả đào tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển các chiến lược đào tạo chất lượng hơn trong tương lai. Trên đây là 03 công cụ giúp bạn đánh giá hiệu quả sau đào tạo.
Tại khóa Training Manager FX, bạn sẽ được chuyên gia hướng dẫn cách áp dụng các công cụ đánh giá hiệu quả sau đào tạo theo thực tế doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khóa học trang bị các phương pháp, công cụ giúp bạn: Xác định nhu cầu, lên kế hoạch, triển khai kế hoạch, hình dung rõ hơn lộ trình để trở thành nhà đào tạo tiên phong.