Trong thời đại mới, nhân viên không chỉ mong muốn tìm được một công việc có thể đảm bảo tài chính mà còn tìm kiếm một công việc có ý nghĩa, thúc đẩy họ làm việc hằng ngày. Là nhà quản lý, bạn cần phải hiểu rõ điều này để có những cách tạo động lực thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả.
Ở bài viết này, VMP sẽ cung cấp đến bạn 02 yếu tố ảnh hưởng đến động lực của nhân viên và 04 cách tạo động lực thúc đẩy nhân viên hiệu quả.
02 Yếu tố ảnh hưởng đến động lực của nhân viên
Theo lý thuyết trong quản trị, yếu tố ảnh hưởng đến động lực của nhân viên gồm hai loại: yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Cụ thể:
Yếu tố bên ngoài: Là các yếu tố liên quan đến môi trường làm việc như lương, thưởng, mối quan hệ giữa đồng nghiệp, cấp trên, chính sách trong công ty,… Đây là những yếu tố thỏa mãn yêu cầu cơ bản, nhằm giữ chân nhân viên làm việc lâu dài với doanh nghiệp.
Yếu tố bên trong: Là các yếu tố liên quan đến sự hài lòng của nhân viên trong công việc, đó có thể là thành tích, người nhân viên được công nhận, được phát huy sở trường của mình thông qua việc thực hiện công việc phù hợp… “Nếu làm công việc mà mình thích, bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào”.
Dưới góc độ của một nhà quản lý, bạn không thể thay đổi các yếu tố bên ngoài (các yếu tố này phụ thuốc về phía công ty). Điều duy nhất bạn có thể thay đổi đó là giúp tạo động lực thúc đẩy nhân viên thông qua yếu tố bên trong. Dưới đây là 04 cách để nhà quản lý có thể tạo động lực thúc đẩy nhân viên hiệu quả:
Lắng nghe nhiều hơn để tạo động lực thúc đẩy nhân viên
Có hơn 54% nhân viên cảm thấy bị đối xử như một công cụ kiếm tiền (theo kết quả khảo sát HBR). Họ cảm thấy không được trân trọng bởi người quản lý trực tiếp và tổ chức của họ. Điều này lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên và dần giết chết sự sáng tạo trong họ. Kết quả là người quản lý nhận được là các “cỗ máy” làm việc chứ không phải là một đội nhóm đúng nghĩa.
Hãy lắng nghe và trân trọng tiếng nói của nhân viên, cho dù là nhỏ nhất. Mỗi khi nhân viên đóng góp ý kiến, hãy ghi nhận, mặc dù những ý kiến này có chút “điên rồ” và không hợp hoàn cảnh. Việc ghi nhận ý kiến đóng góp của nhân viên giúp họ cảm thấy an toàn và sẽ mạnh dạn đóng góp ý kiến vào lần sau.
Ghi nhận thành tích cá nhân và tưởng thưởng
Trong quá trình làm việc, người nhân viên nỗ lực là việc để cống hiến cho tổ chức và chứng minh năng lực của bản thân. Khi nhân viên tạo được một thành tích gì đó vượt bật, hãy ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng cho họ. Đây sẽ là liều thuốc tinh thần giúp tạo động lực thúc đẩy nhân viên cố gắng hơn nữa trong thời gian tới.
Theo kết quả từ một cuộc nghiên cứu, 78% nhân viên nói rằng họ sẽ có động lực làm việc nếu được sếp trực tiếp ghi nhân. Ngược lại, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng 40% nhân viên không được công nhận sẽ không cố gắng hoàn thành công việc xuất sắc mà chỉ dừng ở mức đáp ứng đủ yêu cầu công việc.
Có thể bạn quan tâm: HAMBURGER – Công thức phản hồi nhân viên hiệu quả
“Hô biến” góc làm việc trở nên khác biệt
Không gian phù hợp sẽ tạo cảm hứng làm việc cho nhân viên. Theo kết quả khảo sát từ tờ Forbes, văn phòng làm việc có không gian thiết kế sáng tạo giúp tăng năng suất làm việc lên 20%.
Nếu không thể thay thế không gian của toàn bộ văn phòng, nhà quản lý hãy tận dụng những chi tiết nhỏ để thiết kế không gian phù hợp với tính chất công việc và tạo cảm hứng cho đội nhóm của mình.
Chúng có thể là những vật trang trí nhỏ để bàn, những tấm poster in các câu nói truyền động lực,… Trang trí góc làm việc cũng sẽ trở thành hoạt động gắn kết đội nhóm khi nhân viên được tương tác với nhau nhiều hơn qua các hoạt động tay chân.
Tạo nên văn hoá vui vẻ linh hoạt cho đội nhóm
Văn hoá đội nhóm sáng tạo, linh hoạt sẽ giúp nâng cao hiệu suất của đội nhóm. Hiệu quả đã được chứng minh bởi Facebook. Doanh nghiệp này lọt top 100 Nhà Tuyển Dụng Tốt Nhất do Glassdoor xếp hạng năm 2018. Nguyên nhân là bởi Facebook thúc đẩy văn hóa khuyến khích nhân viên vượt qua giới hạn và sáng tạo nên những cái mới.
Tinh thần và năng lượng của nhà quản lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đội nhóm của mình. Chính vì vậy, bạn cần lưu ý tạo ra không khí vui vẻ, tích cực trong đội nhóm để nhân viên cảm thấy thoải mái khi làm việc, đồng thời khuyến khích họ đưa ra những ý tưởng mới để cải thiện chất lượng công việc hiện tại.
Tạm kết về tạo động lực thúc đẩy nhân viên
Tạo động lực cho nhân viên sẽ giúp nhà quản lý đạt được hai thứ: kết quả công việc được đảm bảo và tinh thần đội nhóm gắn kết. Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp ích được đến công việc của bạn. Đừng quên truy cập VMP mỗi ngày để cập nhật thêm kiến thức hay về quản lý bạn nhé!