Kỹ năng quản trị cảm xúc rất quan trọng đối với nhà quản lý. Một minh chứng cụ thể là: 71% nhà tuyển dụng nói rằng có EQ quan trọng hơn IQ và 51% trong số họ nói rằng họ sẽ KHÔNG thuê người có IQ cao nhưng EQ thấp.
Vậy, đâu sẽ là bí quyết để bạn quản trị được cảm xúc cá nhân, đồng thời truyền cảm hứng ấy đến đội nhóm? Bài viết này sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề ấy.
Bài viết này thuộc Tips For Leader Chuỗi bài viết giúp bạn lái con tàu “VƯỢT CẠN” |
Kỹ năng quản trị cảm xúc dành cho quản lý là gì?
Kỹ năng quản trị cảm xúc đề cập đến khả năng nhận thức rõ ràng về cảm xúc của bản thân và người khác trong các tình huống khác nhau. Từ đó, chúng ta có thể điều chỉnh cảm xúc một cách hợp lý để duy trì sự hài hoà trong giao tiếp và lãnh đạo.
Tương tự như vậy, đối với một nhà quản lý, quản trị cảm xúc không phải là việc loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc mà chúng ta trải qua. Thay vào đó, nó đòi hỏi bạn phải học cách đối mặt và ứng phó với cảm xúc một cách tích cực và hiệu quả, thay vì để chúng kiểm soát.
Đặc biệt, trong mỗi trường làm việc, rất khó để giữ thái độ tích cực và duy trì động lực khi mọi thứ diễn ra không như ý muốn. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần duy trì thái độ tích cực ngay cả khi tình hình khó khăn. Nếu không, sự tiêu cực có thể nhanh chóng lan rộng khắp nhóm, gây ra bầu không khí thù địch ảnh hưởng đến năng suất làm việc của mọi người.
Tầm quan trọng và lợi ích của việc quản trị cảm xúc
Quản lý cảm xúc của các nhà quản lý là một quá trình hai chiều. Chiều đầu tiên đến từ chính bản thân họ. Và phần còn lại đến từ cảm xúc của nhân viên, hay của đồng nghiệp. Cả hai đều quan trọng và ảnh hưởng đến kết quả làm việc tích cực. Các lý do và lợi ích của việc quản trị cảm xúc có thể đến từ:
Quản trị cảm xúc cá nhân: Nhà quản lý là người dẫn dắt cũng như tấm gương trực tiếp ảnh hưởng đến thói quen, phong cách làm việc và trạng thái tâm lý của nhân viên. Vì vậy, biết cách quản lý cảm xúc có thể giúp bạn trong những thời điểm khó khăn như xung đột, cuộc trò chuyện căng thẳng, khủng hoảng,… Bằng cách lùi lại một bước, thừa nhận cảm xúc hiện tại, nhà quản lý có thể giữ bình tĩnh, tự chủ, kiểm soát không khí và chứng tỏ mình là nhà lãnh đạo hiệu quả.
Quản lý cảm xúc của nhân viên: Cảm xúc của nhân viên có thể có tác động đáng kể đến hiệu suất của một tổ chức. Khi nhân viên cảm thấy tốt, họ sẽ làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn. Ngược lại, khi nhân viên cảm thấy tiêu cực, họ có thể làm việc kém hiệu quả và thù địch. Các nhà quản lý cần nhận thức được trạng thái cảm xúc của nhân viên và thực hiện các bước giải quyết để giúp họ bình tĩnh hơn.
Dấu hiệu cho thấy quản lý không biết quản trị cảm xúc
Ngoài việc ứng dụng những dấu hiệu này cho bản thân, nhà quản lý cũng có thể nhận biết được cảm xúc của nhân viên, từ đó có biện pháp khắc phục thích hợp. Cụ thể, có 5 dấu hiệu sau đây:
- Tự nhận thức thấp: Những người thiếu khả năng tự nhận thức cảm xúc thường thích tranh luận và luôn khẳng định quan điểm của mình mà không đón nhận ý kiến khác. Điều này có thể xuất phát từ khó khăn trong việc thể hiện bản thân hoặc thấu hiểu cảm giác của người khác.
- Khả năng tự điều chỉnh thấp: Có EQ thấp thường không thể kiểm soát và xử lý cảm xúc một cách hiệu quả, dẫn đến những phản ứng bất ngờ, thậm chí là tiêu cực.
- Động lực hạn chế: Một người quản trị cảm xúc kém có thể đến từ việc thiếu động lực làm việc. Họ thường “ỉu xìu”, thờ ơ và kém tươi tỉnh, gây ra tình trạng làm việc chậm chạp.
- Thiếu sự đồng cảm: Sự thiếu đồng cảm thường biểu thị qua việc khó khăn trong việc hiểu và đồng cảm với cảm xúc của người khác. Họ có thể trở nên phòng thủ và khó hiểu các tình huống xã hội.
- Kỹ năng xã hội kém: Những người quản trị cảm xúc kém thường gặp khó khăn trong việc duy trì hoặc thậm chí không có mối quan hệ xã hội. Họ cũng có thể không hiểu rõ cảm xúc của mình và khó phản ứng thích hợp trong các tình huống cụ thể.
Ứng dụng nguyên lý “3 não” để quản trị cảm xúc.
Với những dấu hiệu và tầm quan trọng của việc quản trị cảm xúc, vậy, nhà quản lý nên làm gì? Cụ thể, nhà quản lý có thể ứng dụng nguyên lý 3 não (Triune brain theory) – một mô hình được đề xuất bởi nhà tâm lý học Paul D. MacLean vào những năm 1960. Nó mô tả cấu trúc và chức năng của bộ não dựa trên phân chia thành ba phần: não người (neocortex), não thú (limbic system) và não bò sát (reptilian complex).
Thông qua việc hiểu rõ chức năng của từng phần não, nhà quản lý có thể áp dụng kiến thức này để quản lý cảm xúc cá nhân và tạo ra môi trường làm việc tích cực. Bạn có thể:
Tạo môi trường an toàn: Đối với nhà quản lý, hiểu rõ vai trò của não thú sẽ giúp bạn nhận ra cảm xúc cơ bản. Từ đó, bạn có thể tạo môi trường an toàn và đảm bảo rằng cảm xúc “đe dọa” không thể nhanh chóng lan rộng trong tổ chức.
Thúc đẩy cảm xúc tích cực: Áp dụng kiến thức về não thú để khuyến khích cảm xúc tích cực và động viên trong nhóm làm việc.
Đưa ra quyết định thông minh: Nhà quản lý có thể sử dụng khả năng tư duy logic của não người để đưa ra quyết định một cách thông minh và xác đáng trong tình huống căng thẳng. Bạn nên khuyến khích việc sử dụng suy nghĩ phản biện và lập kế hoạch để giải quyết vấn đề mâu thuẫn.
Xây dựng mối quan hệ tốt: Hiểu về não thú giúp nhà quản lý hiểu rõ hơn về cảm xúc của người khác, tạo cơ hội cho sự đồng cảm và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.
Tổng kết về bí quyết giúp nhà quản lý quản trị cảm xúc hiệu quả.
Thông qua bí quyết và lợi ích của việc quản trị cảm xúc, VMP hy vọng sẽ truyền động lực đến các nhà quản lý, nhằm nâng cao kỹ năng này. Để biết nhiều hơn về đào tạo quản lý, bạn có thể tham khảo các chương trình tại đây.