Nội dung thuộc chuỗi phỏng vấn “Manager Trốn – LnD Tìm” Nơi chia sẻ những câu chuyện thú vị về cộng đồng LnD tại Việt Nam. Xem full series Podcast tại đây. |
Sau 2 tháng triển khai, series podcast Manager Trốn – LnD Tìm đã kết thúc. Cùng chúng tôi nhìn lại 7 câu chuyện về đào tạo, tại 7 doanh nghiệp khác nhau tại bài viết này nhé.
Thay đổi tư duy phát triển của quản lý thuộc ngành Tài Chính – Shinhan Finance.
Tập đầu tiên của series podcast, Trốn Tìm gặp gỡ và trò chuyện cùng chị Ngọc Phượng đến từ Shinhan Finance. Điều khiến chị tự hào nhất khi làm việc tại Shinhan chính là văn hóa doanh nghiệp – luôn khuyến khích mọi người học tập và phát triển. Đây cũng là môi trường lý tưởng của LnD – nơi mà chị có thể phát huy khả năng của mình.
Theo chị, các Leader, Manager sẽ là những người tiên phong trong việc duy trì và phát huy văn hóa học tập tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, chị luôn đầu tư vào các chương trình đào tạo quản lý, nhằm giúp họ có tư duy đúng để phát triển đội ngũ hiệu quả. Thông qua đó, chị cũng chứng minh được hiệu quả đào tạo, từ đó làm tiền đề cho các dự án trong tương lai.
Hành trình chứng minh hiệu quả đào tạo tại Simpson Strong-Tie Vietnam.
Tập thứ 2 là câu chuyện của chị Hậu Phạm – Trưởng phòng huấn luyện và phát triển tổ chức tại Simpson Strong-Tie Việt Nam. Với kinh nghiệm dày dặn trong đào tạo, chị luôn chú trọng vào các chương trình dành cho quản lý, bởi 2 lý do sau: Quản lý là người sẽ là người đào tạo cho đội ngũ kế thừa và họ sẽ định vị văn hóa doanh nghiệp.
Đối với chị, để chứng minh được hiệu quả đào tạo, cần sự hỗ trợ của các nhà quản lý trong quá trình Follow-up. Vì mục đích cuối cùng của đào tạo là thay đổi hành vi, và quản lý sẽ là người dễ dàng quan sát và tạo cơ hội cho người học thực hành trên công việc. Chính vì vậy, chị luôn khuyến khích các buổi sharing ngắn, nhằm giúp các nhà quản lý có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, truyền động lực và thúc đẩy các khóa đào tạo tiếp theo.
Từ người đặt hàng đến đối tác tin cậy tại Rohto VietNam.
Đề xuất và bị bác bỏ là điều không thể tránh khỏi khi làm đào tạo tại doanh nghiệp. Và với vai trò Product Training Leader tại Rohto, chị Thương Chi cũng từng đối mặt với việc này. Sự phản đối có thể đến từ ban lãnh đạo, khi không nhận thấy giá trị của đào tạo. Hoặc cũng đến từ nhà quản lý, vì họ cho rằng “chạy số” quan trọng hơn. Hay từ chính học viên, vì không phải nhu cầu của họ.
Theo chị, để giải quyết tình trạng này, các nhà quản lý cấp trung sẽ là đối tượng cần thuyết phục đầu tiên. Vì họ là người theo sát và tạo cơ hội cho nhân viên thay đổi hành vi. Họ cần phải thấy được giá trị mà đào tạo đem lại cho sự phát triển của đội nhóm. Kế đó, hiệu quả sau đào tạo của các chương trình thành công sẽ là bằng chứng để thuyết phục các nhà lãnh đạo cấp cao.
Thu hút quản lý chủ động tham gia đào tạo tại Simplamo Enterprise.
Tập tiếp theo là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Nghĩa – Founder Simplamo Enterprise về cách “lôi kéo” quản lý tham gia vào đào tạo nhân viên. Thông thường, các nhà quản lý “lẩn trốn” LnD vì sợ mất thời gian mà không đem lại giá trị thực sự. Đây cũng là thách thức chung mà rất nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.
Chính vì vậy, chị đã xem xét từng điểm mạnh và yếu của cấp quản lý, qua đó đề xuất những năng lực cần cải thiện và tổ chức khóa đào tạo tương ứng. Bên cạnh đó, chị cũng đồng hành cùng họ, thống nhất về bộ kỹ năng cần trang bị để phục vụ cho mục tiêu chung của tổ chức.
Piere Farbe xây dựng môi trường theo dõi sau đào tạo.
Tập thứ 6 của Podcast Manager Trốn – LnD Tìm là cuộc trò chuyện cùng HRM Piere Farbe – Phan Anh Tú. Đối với anh, thách thức lớn nhất khi phụ trách đào tạo tại đây chính là thõa mãn mong đợi của các phòng ban. Sau chương trình đào tạo, các nhà quản lý luôn muốn có ngay kết quả tích cực. Tuy nhiên, đào tạo là một quá trình dài và liên tục, không thể giải quyết vấn đề chỉ sau một ngày học.
Anh luôn theo đuổi mô hình 70:20:10: kỹ năng của học viên sẽ có được khoảng 10% sau khóa học, 20% thông qua chia sẻ kiến thức, 70% sẽ đến từ thực hành, trải nghiệm. Chính vì vậy, anh luôn ưu tiên xây dựng các hoạt động follow-up, nhằm khuyến khích quản lý cho nhân viên trải nghiệm, đồng thười theo dõi kết quả sau đào tạo.
Tại TTC AGRIS, đào tạo không chỉ là công việc của LnD.
Anh Đoàn Sơn Hải hiện đang là Training Manager Miền Nam & Miền Đông của TTC AGRIS. Khi training cho bộ phận bán hàng, anh thường gặp khó khăn với các trưởng phòng ban. Họ luôn không sẵn sàng cho nhân viên đi học, ưu tiên việc chạy doanh số hơn. Bên cạnh đó, quản lý thường đi lên từ nhân viên xuất sắc, nên họ thường tập trung vào công việc chuyên môn, trốn tránh các công việc liên quan đến đào tạo, huấn luyện nhân viên và đẩy cho phòng đào tạo.
Để giải quyết vấn đề này, anh đã sử dụng các biện pháp như: Lấy được sự đồng thuận của cấp lãnh đạo (cấp trên của quản lý) trong việc đào tạo phát triển đội ngũ bên dưới; Làm rõ lý do tại sao cần đào tạo, sau đó đưa ra các chương trình đào tạo giải quyết vấn đề đang gặp phải. Khi này, quản lý hiểu được đào tạo giúp công việc tốt hơn, họ sẽ mở lòng và sẵn sang hợp tác.
Digi-Texx hướng đến xây dựng thành công văn hóa Lãnh đạo.
Tập cuối của series podcast Manager Trốn – LnD Tìm mùa 1, chúng tôi gặp gỡ chị Phương Uyên đến từ Digi-Texx. Mặc dù có hơn 7 năm làm việc tại doanh nghiệp, nhưng chị vẫn là một LnD rất trẻ khi mới “bẻ lái” sang đào tạo. Thông qua quá trình trưởng thành cùng bộ phận LnD, chị khám phá nhiều công cụ để tổ chức lớp học hiệu quả, đánh giá sau đào tạo và xây dựng hoạt động follow-up cho quản lý.
Theo chị, đích đến cuối cùng của đào tạo là xây dựng thành công văn hóa Lãnh đạo. Vì mỗi cá nhân trong doanh nghiệp đều có trách nhiệm cao trong công việc. Họ sẽ là leader trong chính công việc của mình. Để làm được điều đó, đào tạo sẽ giúp họ có thói quen học tập, chia sẻ và tự tìm tòi giải pháp. Và rất may mắn, chị có thể đồng hành cùng Digi-Texx trên hành trình xây dựng văn hóa này.
Tạm kết
Vậy là series podcast Manager Trốn – LnD Tìm đã đi hết mùa 1. Rất cám ơn quý khách mời dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trên sự nghiệp của mình. Chúng tôi hy vọng rằng, giá trị này sẽ lan tỏa đến cộng LnD và những ai yêu mến nghề đào tạo.
Nếu bạn cũng theo dõi series này, cảm xúc của bạn thế nào? Hãy để lại cảm nhận nhé.