04 Bước Lập Kế Hoạch Bài Giảng Hiệu Quả Dành Cho Trainer

Lập kế hoạch bài giảng là công đoạn giúp bạn hệ thống các nội dung quan trọng cần truyền tải trong buổi đào tạo. Bài viết này sẽ gửi đến bạn bốn bước lên kế hoạch bài giảng chi tiết và hiệu quả. 

Xác định nội dung bài giảng 

Cần xác định những nội dung cốt lõi để truyền tải đến học viên

Nội dung chính là cốt lõi của kế hoạch bài giảng. Vì vậy đầu tiên, bạn phải xác định rõ nội dung học tập muốn học viên đạt được sau khi hoàn thành khóa đào tạo. Và bạn có thể hệ thống nội dung bài giảng từ tổng quan đến chi tiết, hoặc từ cơ bản đến nâng cao. Việc xác định trên sẽ giúp học viên hiểu rõ chủ đề và nội dung của khóa đào mang lại cho họ.

Để tạo ra nội dung hiệu quả, trước tiên nên xác định mục tiêu học tập cho mỗi phần, điều này giúp bạn tập trung vào việc truyền tải những thông tin cốt lõi nhất. Sau đó, hãy chia nội dung thành các phần nhỏ và kết nối chúng lại với nhau để hình thành nên một tổng thể về chủ đề khóa học.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý điều chỉnh nội dung để phù hợp với lượng kiến thức và kỹ năng hiện có của học viên. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng nội dung được cập nhật với các thông tin mới nhất và phải phản ánh đúng tình trạng, thách thức mà học viên đang gặp phải trong công việc thực tế của họ.

Nêu bật giá trị học viên sẽ nhận được

Các giá trị hữu ích sẽ giúp học viên nâng cao động lực tham gia khóa đào tạo.

“Giá trị học viên đạt được” là yếu tố quan trọng tiếp theo để bạn xây dựng được một kế hoạch bài giảng hiệu quả. Bởi vì các giá trị hữu ích sẽ giúp học viên hiểu rõ tại sao họ nên đầu tư thời gian và nỗ lực để tham gia khóa đào tạo này. Đây là nguồn động viên thiết thực nhất giúp học viên tập trung và tham gia tích cực vào quá trình học.

Để truyền tải những giá trị này, bạn cần trình bày các mối liên kết giữa kiến thức hoặc kỹ năng có trong khóa đào tạo với công việc thực tế của họ. Tiếp theo, bạn hãy cung cấp các ví dụ để minh họa các kiến thức sẽ được vận dụng thế nào vào trong công việc, đời sống hàng ngày hoặc tương lai nghề nghiệp của học viên.

Và cần lưu ý tùy chỉnh cho từng nhóm đối tượng học viên bằng cách xác định các giá trị cụ thể mà đối tượng của bạn sẽ thấy thú vị và hữu ích. Đồng thời, bạn hãy khuyến khích học viên nghĩ về mục tiêu cá nhân để họ nâng cao động lực ứng dụng kiến thức sau khóa đào tạo. 

Xây dựng hoạt động giảng dạy

Các phần nội dung nên được truyền tải bằng nhiều hình thức khác nhau.

Tiếp theo, để bạn có được một kế hoạch bài giảng chi tiết và hiệu quả nhất chính là xây dựng và chọn lọc các hoạt động, phương pháp phù hợp cho từng phần nội dung. Vì theo “tháp mức độ tiếp thu”, các nội dung được truyền đạt theo nhiều cách khác nhau sẽ giúp học viên lưu giữ kiến thức một cách tốt hơn.

Có một vài phương pháp và hoạt động phổ biến bạn có thể tham khảo như sau: phương pháp thảo luận nhóm (phân chia học viên thành các nhóm nhỏ để thảo luận về phần nội dung nhỏ), hoạt động mô phỏng tình huống, tạo ra trò chơi liên quan đến nội dung cần truyền tải,…..

Để xây dựng hoạt động giảng dạy hiệu quả, cần lưu ý:  

  1. Bạn cần xác định phong cách học của học viên để điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. 
  2. Hãy kết hợp nhiều phương pháp, hoạt động khác nhau trong một khóa đào tạo.
  3. Đảm bảo các hoạt động trong bài giảng có liên quan đến nhau và tạo thành một chuỗi hợp lý để học viên có thể tiếp cận dễ dàng.

Lập kịch bản đào tạo 

Thiết lập thời gian thông minh sẽ giúp bạn tránh tình trạng “Cháy Giáo Án”

Thời gian là yếu tố giới hạn trong khóa đào tạo, vì thế bạn thiết lập thời lượng cho từng phần của kế hoạch bài giảng. Điều này sẽ giúp bạn tránh gặp tình trạng “cháy giáo án”, đồng thời đảm bảo mỗi phần nội dung đều được trình bày một cách đầy đủ và không vượt quá thời gian dự kiến.

Để thiết lập thời gian hiệu quả, trước tiên bạn hãy bắt đầu xác định tổng thời lượng của khóa đào tạo. Kế đến, bạn hãy dựa vào cấu trúc bài giảng và phân chia lượng cụ thể cho từng phần nội dung. Tiếp theo, trong mỗi phần nội dung hãy xác định thời lượng cho từng hoạt động cụ thể một cách hợp lý.

Tuy nhiên, bạn hãy dành ra thời gian dự phòng cho mỗi phần để tránh việc quá trình học tập kéo dài do những sự cố bất ngờ. Điều này sẽ giúp bạn có thời gian để giải quyết các vấn đề cần thiết. Đồng thời sau mỗi bài giảng, bạn nên thu thập phản hồi từ học viên để đánh giá xem liệu thời lượng đưa ra đã phù hợp hay chưa.

Tạm kết về 04 bước lập kế hoạch bài giảng hiệu quả

“Nội dung – giá trị học viên nhận được – phương pháp/hoạt động học tập – thời gian” là bốn yếu tố quan trọng nhất để giúp bạn xây dựng một kế hoạch bài giảng hiệu quả. Tuy nhiên, mỗi khóa đào tạo đều có những đặc điểm riêng biệt, do đó bạn cần điều chỉnh linh hoạt theo từng mục tiêu bài giảng khác nhau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *