Chiến lược công ty, nên tự xây hay thuê tư vấn?

Chìa khoá thành công Tự xây dựng chiến lược phát triển hay thuê chuyên gia tư vấn luôn là bài toán khó không chỉ đối với các doanh nghiệp mới thành lập mà còn là của cả các công ty đang muốn tái cơ cấu hay mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chiến lược công ty, nên tự xây hay thuê tư vấn?

Tự xây dựng chiến lược phát triển hay thuê chuyên gia tư vấn luôn là bài toán khó không chỉ đối với các doanh nghiệp mới thành lập mà còn là của cả các công ty đang muốn tái cơ cấu hay mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chương trình CEO – Chìa khoá thành công số 41 với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình – Chiến lược tự xây hay đi thuê”.

Với nền kinh tế hội nhập quốc tế như hiện nay, các khó khăn trong việc cạnh tranh và phát triển cùng những yêu cầu thay đổi mô hình tăng trưởng đang buộc nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải tái cơ cấu lại, tạo sự khác biệt để tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Trước thực tế đó, vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp là tự mình xây dựng chiến lược phát triển hay thuê tư vấn từ bên ngoài?

Để phần nào giải đáp thắc mắc đó cho doanh nghiệp, chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa lên sóng chủ đề “Doanh nghiệp gia đình – Chiến lược tự xây hay đi thuê” .

Bà Đoàn Thu Nga, Giám đốc Công ty Luật Lawpro trong vai trò thành viên HĐQT

Theo đó, chương trình đặt ra tình huống của một doanh nghiệp gia đình Việt đã từng kinh doanh rất thành công trong lĩnh vực bất động sản ở giai đoạn đầu của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển nóng, hiện nay, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng bết bát, thua lỗ nặng, mất nhiều hơn được.

Trước tình hình đó, sau rất nhiều trăn trở, CEO và các thành viên còn lại của HĐQT đều cùng chung quan điểm cho rằng, có tình trạng xảy ra như vậy là do ban đầu, việc đầu tư vào kinh doanh của doanh nghiệp là khá tùy tiện, chủ yếu dựa vào các mối quan hệ và sự nhạy bén trong đầu cơ đất đai.

Trong giai đoạn đầu của thị trường, việc tự phát còn nhiều cơ hội nên doanh nghiệp có được thành công nhất định. Song, đến giai đoạn thị trường phát triển ổn định, cùng sự tham gia cạnh tranh của nhiều ông lớn trong và ngoài nước, làm ăn bài bản, nếu doanh nghiệp không thay đổi, vẫn làm ăn theo kiểu tự phát và tùy tiện thì sẽ mất hoàn toàn phần vốn còn lại và rời khỏi thị trường.

Để tiếp tục duy trì và phát triển được, cả CEO và thành viên khác trong HĐQT cùng thống nhất quan điểm phải nghiên cứu và xây dựng một chiến lược phát triển một cách căn bản.

Theo đó, CEO đề xuất doanh nghiệp cần lập tức khảo sát nghiên cứu và hoạch định lại chiến lược kinh doanh một cách bài bản. Việc đầu tiên là cần phải đánh giá lại toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp (thực trạng, tình tình thị trường, cạnh tranh thị trường, năng lực cốt lõi, hệ thống quản trị, năng lực tài chính và định hướng trong thời gian tới).

 Để làm được việc này, nhất thiết phải thuê đối tác tư vấn chuyên nghiêp và uy tín, có kinh nghiệm cả trong nước và quốc tế thực hiện (để vừa thực tế với thị trường trong nước, vừa có được kinh nghiệm và tầm nhìn quốc tế). Bởi khi nhà tư vấn vào, họ không chỉ nhìn vào thực trạng của doanh nghiệp mà họ còn đặt doanh nghiệp trong bối cảnh chung; cùng với một kho tàng dữ liệu, có hệ thống tư vấn lâu năm. Từ đó họ sẽ định hướng được cho doanh nghiệp những lộ trình và chiến lược bài bản.

Ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Du lịch Hà Nội trong vai trò thành viên HĐQT

Tuy nhiên, HĐQT lại phản đối vì cho rằng, không nên thuê tư vấn bởi như vậy sẽ rất tốn kém cả về tài chính lẫn thời gian. Thuê họ nghiên cứu và khảo sát đã tốn kém một, nhưng làm theo những gì họ tư vấn còn tốn kém hơn gấp nhiều lần. Bởi các chuyên gia bên ngoài sẽ không thể hiểu được hết nội tình và các khía cạnh nội bộ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một mặt HĐQT không muốn tiết lộ bí mật kinh doanh, mặt khác doanh nghiệp vẫn có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để tự làm được.

Kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình, CEO cho rằng, thà mất một lần tiền để hiểu toàn bộ thị trường và đi đúng hướng còn hơn là tự đi mà không biết là đúng hay sai. Bởi thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp tự làm được thì đã không có thực trạng như hiện nay.Một điều quan trọng hơn nữa, đó là mỗi lần thuê tư vấn là một lần doanh nghiệp tự nhìn lại được mình một cách hệ thống, nhờ đó doanh nghiệp học hỏi được nhiều điều và trưởng thành hơn. Tuy nhiên, HĐQT vẫn tiếp tục không đồng thuận với CEO.

Vậy đâu là giải pháp và sự lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp? Tất cả sẽ có trong chương trình CEO – Chìa khoá thành công số 41, 42 với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình – Chiến lược tự xây hay đi thuê“.

Ông Phan Hữu Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Nhân lực Việt tham gia chương trình CEO – Chìa khóa thành công trong vai trò CEO cùng với hai vị khách mời (trong vai trò cổ đông) là bà Đoàn Thu Nga, Giám đốc Công ty Luật Lawpro và ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Du lịch Hà Nội.

Chương trình CEO – Chìa khoá thành công số 41 được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (28/1) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (29/1) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

CEO – Chìa khóa thành công là một chương trình chính luận, kinh tế chuyên biệt của Đài Truyền hình Việt Nam. Ra đời từ năm 2005, chương trình có sứ mệnh “Đồng hành doanh nghiệp, nâng tầm doanh nhân” trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập.

Bắt đầu từ năm 2017, bên cạnh các chương trình phát sóng trên VTV, CEO – Chìa khóa thành công sẽ tổ chức chuỗi các hội thảo dành riêng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo các chủ đề hữu ích và thời sự về kinh doanh. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ thông tin cho chương trình này.

Chương trình được tổ chức định kỳ hai tháng một lần các hội thảo, tọa đàm, workshop, với nội dung xoay quanh các vấn đề nan giải mang tính chiến lược về thương hiệu, phát triển, nhân sự, tài chính của các doanh nghiệp. Qua đó, đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, giúp họ tiếp tục định hướng phát triển.

An Chi từ The Leader

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.